19.9.16

Một thoáng trong tôi - Một thoáng hạnh phúc

1. Đây là mấy dòng chia sẻ tôi ghi lại từ những ký ức về thầy, Trưởng lão Giác Dũng.
2. Trưởng lão Giác Dũng không viết như một người sáng tác hay nghiên cứu. Thỉnh thoảng thầy có viết những câu thơ kệ. Trong trường hợp cần lắm, thầy mới bảo học trò chấp bút cho thầy. Sau này, có người thấy pháp tu của thầy hay quá, nếu không ghi lại, người đời sau không học được thì uổng lắm. Vì vậy, cũng có người qua cách hầu chuyện thầy, hỏi để thầy nói, rồi viết lại thành văn, dưới đó để tên thầy. Đây là một cách đem kinh nghiệm của thầy chia sẻ cho người khác rất hay và bổ ích. Tuy nhiên, khi đọc những bài dạng đó, ngoài những đệ tử thân cận với thầy, khó ai biết được đâu là ý thầy đâu là ý người chấp bút thêm vào. Khi đó lợi hại khó phân. Tôi phát hiện ra điều này năm 2008, khi tôi hiệu đính một bài như thế cho một tập san Phật giáo.
3. Có hai lần thầy bảo tôi chấp bút mà tôi nhớ nhất. Đó là một lần cho sinh và một lần cho tử. Sinh là lần thầy dạy ghi bài văn dạng biền ngẫu chúc mừng sinh nhật một phật tử lão thành tại Thành phố Buôn Ma Thuột. Tử là lần thầy kể về hòa thượng Giác Nhu để ghi thành bài nhân kỷ niệm một năm hòa thượng Giác Nhu viên tịch. Tử thì nhớ mà sinh đã quên.
4. Chấp bút cho thầy là hạnh phúc của tôi. Việc này dễ mà không dễ. Dễ ở chỗ thầy bảo sao làm vậy, nói sao viết vậy. Nhưng hiểu được ‘vậy’ của thầy là rất khó. Thầy hầu như rất ít khi dùng từ ngữ hoa mỹ. Nhưng khi lời nói của thầy được viết thành văn, thì sự diễn đạt đôi khi phải cần văn vẻ. Đó không đơn giản là cái cần của người viết và người đọc, mà là cái rất cần của lối văn viết với nhiều ngôn từ của văn nói. Tôi chẳng hiểu điều này cho đến khi tôi đọc Nguyễn Ngọc Tư. Khó nhất khi chấp bút cho thầy là sau những chỗ diễn đạt văn hoa bóng bẩy một chút, phải chờ một hồi lâu mới nghe tiếng ừm đặc giọng của thầy với cái gật đầu nhẹ. Những lúc ấy, dù không chắc là diễn đạt như thế có hoàn toàn đúng ý thầy chưa, nhưng tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Đó là hạnh phúc của người chấp bút. Cứ mỗi lần nhớ lại tiếng ừm đặc giọng của thầy, tôi mới thấy các trường hợp hầu chuyện với thầy kiểu phỏng vấn ngầm, thầy nói, rồi ghi lại, hoặc ghi âm rồi phiên tả lại, và đăng báo, không hỏi lại ý thầy, nguy hại làm sao.
5. Nói về người đã ra đi, hòa thượng Giác Nhu, thầy xem như một thoáng hoài niệm, theo từng bước chân và nhịp thở. Thầy nói chuyện đồng cam cộng khổ, giai đoạn khó khăn. Thầy nói chuyện còn phiền não khi tu tập, được thanh tịnh khi tinh tấn. Thầy nói chuyện tu giới định huệ, giản dị mà cốt lõi. Thầy nói chuyện cuộc đời giản dị và tinh thần phụng sự. Thầy nói chuyện đi làm Phật sự không hề mệt mỏi. Thầy nói về hạnh nguyện độ sanh vững chắc, hạnh nguyện ‘còn nước còn tát’ thể hiện ý chí kiên cường. Thầy nói chuyện về người mà thầy đang nói đến như “một thoáng trong tôi” của thầy. Một thoáng ấy nay quý vô cùng. Một thoáng ấy đã thực sự có trong thầy. Đó là một thoáng như vẫn còn hoài. Sau 15 năm, nay tôi mới có dịp đọc lại lời thầy mà mình đã ghi. Niềm vui có được theo những con chữ dường như không phai. Mỗi câu văn như một kỷ niệm đẹp. Những câu văn vẻ có ý, đọc lại thấy cũng hay hay, nhưng những bài học quý thì chỉ đọng lại trong những lời mộc mạc của thầy. Ghi lại những lời đã chấp bút cho thầy, tôi chợt nhớ lời kinh Nikaya nói về đức Phật: Ngài nói điều ngài làm và làm điều ngài nói; cái gì cốt lõi thì còn hoài... 15 năm trước những điều ấy đến với thầy chỉ là một thoáng, mà với thầy, đó là một thoáng hòa theo từng bước chân và nhịp thở. 15 năm sau, một thoáng ấy là nguồn hạnh phúc của người chấp bút và của bao người đã từng một thoáng được chắp tay bên thầy.

6. Đây là nguyên văn bài viết duy nhất ghi lại theo lời thầy dạy chấp bút, đăng trong kỷ yếu Hòa thượng Giác Nhu, 1998. Xin chia sẻ cùng bạn.
Giác Kiến
~~~~~~~~~~~~
Ảnh chụp cùng với Thầy tại Chùa Một Cột, Hà Nội


Một thoáng trong tôi
Mùa an cư Kiết hạ Pl. 2542 (Dl.1998), Mậu Dần

Sáng nay một buổi sáng đẹp trời, mùa an cư kiết hạ PL. 2542. Sau giờ chúng tăng tại đạo tràng tịnh xá Ngọc Quang học chơn lý, quyển Đại thừa giáo, trên đường về cốc, bỗng dưng một thoáng hồi niệm đã đến với tôi hòa theo từng bước chân và nhịp thở.
Dẫu “một thoáng…”, nhưng hình ảnh cố Đại lão Hòa thượng Giác Nhu đã hiện rõ trong ký ức như nhắc nhở với tôi rằng “ gần đến lễ tiểu tường”, những hình ảnh cao quý ấy đã làm hồi ức tôi sống lại qua cuộc đời, công hạnh, đức độ và sự giáo hóa chúng sanh của ngài….
Ngài cố Đại lão Hòa thượng Giác Nhu, một trong những thành viên đầu tiên trong quá trình thống nhất Phật giáo Việt Nam – Phó chủ tịch Hội đồng Tri Sự (nhiệm kì I:1981-1987) – Phó pháp chủ Hội đồng chứng minh (nhiệm kỳ II, III: 1987-1997) Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Chứng minh Đạo sư Hệ phái Khất sĩ. Ngài đã từng đồng lao cộng khổ, lèo lái con thuyền  Giáo hội Phật giáo Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn bằng tất cả công sức và trí tuệ trong tinh thần phụng sự “ Đạo pháp – Dân tộc – chủ nghĩa xã hội”.
Một ấn tượng rõ nhất đối với tôi là hạnh nguyện độ sanh không biết mệt của ngài. Đó là những năm tỉnh Đắc Lắc có Phật sự: một lần thượng tọa Giác Thanh cung thỉnh Ngài lên chứng minh lễ tôn tượng Bồ Tát Quán Thế Âm tại tịnh xá Ngọc Nguyên, rồi một lần khác, Ni sư Phan Liên lại cung thỉnh Ngài lên chứng minh lễ khánh thành tịnh xá Ngọc Thành.
Ba lần lên Cao Nguyên chứng minh đại lễ và cũng ba lần, Tăng ni phật tử cao nguyên Ban Mê Thuột được tiếp cận để nghe lời giáo huấn của Ngài. Vì kính đạo và ngưỡng mộ đạo phong của Ngài, Phật tử Thiện Tâm đã phát bồ đề tâm thiết lễ trai tăng tại tư gia, cung thỉnh Ngài về chứng minh chú nguyện kỳ an, nên toàn gia đình đồng nhất tâm tin tưởng Phật pháp, tinh tấn tu hành, rạng danh Phật tử.
Trong những lần Cố Đại lão Hòa thượng lên Cao Nguyên làm Phật sự, đường từ TP Hồ Chí Minh đến Buôn Mê Thuột dài 650 km, đèo dốc quang co, đường xá gập gềnh. Hơn nữa thân tứ đại đã quá “thập cổ lai hy”, thế mà khi Tăng Ni Phật tử vấn an sức khỏe thì Ngài đều hoan tươi cười, nói : “Tôi đi làm Phật sự không hề thấy mệt mỏi”
Ôi! Quý kính thay ! Một lời nói tỏa ra ý chí kiên cường, một hạnh nguyện độ chúng sanh vững chắc, một hạnh nguyện “còn nước còn tát” của Ngài. Dẫu tuổi già sức yếu nhưng còn chúng sanh đau khổ, còn người chưa giác ngộ, còn Phật tử đang cần thì Ngài vẫn còn hoan hỷ ra đi. Việc làm và lời nói của Ngài đã để lại cho đời, cho Đạo một tấm gương sáng chói, một đạo hạnh chơn thường, một cuộc đời giản dị, đáng khích lệ cho hàng hậu học thọ học, noi theo.
Có lần tôi được hầu thăm và thọ giáo với Cố Đại lão Hòa Thượng tại tịnh xá Trung Tâm, Ngài hỏi tôi: “Sư có thường học Chơn lý không? Sư tu pháp môn gì? Chứ tôi thì tu Giới – Định – Huệ, tu Giới – Định – Huệ là để giải thoát… mà phải nhớ cho được là nếu chưa đạt được Tam vô lậu học thì khó được thanh tịnh và còn phiền não thì việc giáo hóa độ sanh khó thành”.
Ôi! Một lời giản dị mà thật cốt lõi. Tam vô học diệu huyền, thần thông, tự tại đối với những ai chân thật hành trì. Thật là:
                              Đã bao lần Ngài lên Đắc Lắc
                              Để viên thành Phật sự, cùng sách tấn Tăng Ni
                              Dù đường xa khập khỉnh khó đi
                              Chí độ sanh không hề mỏi mệt.

Đôi dòng tưởng niệm kính dâng Giác linh Cố Đại lão Hòa Thượng Thượng NHU Hạ GIÁC thùy từ chứng giám.
Tỳ kheo Giác Dũng

No comments:

Post a Comment