14.9.16

Hơi thở và Ý thức

Hơi thở là bạn trung thành nhất của nghệ thuật sống tỉnh thức.
Thiền là quá trình thanh lọc tâm và khai mở trí tuệ gồm hai yếu tố, định tâm và quán chiếu. Trong đó, ý thức hơi thở là bước thực tập căn bản. Hơi thở là đối tượng tập trung tâm ý rất hiệu quả. Hơi thở không phải là câu thần chú. Hơi thở là tự nhiên, không liên quan đến vấn đề văn hóa xã hội nào cả. Hơi thở cũng không phải là hiện vật mà chúng ta phải mang theo hay đặt để một nơi nào đó cho mục đích thực tập. Hơi thở rất tự nhiên và bất cứ ở đâu chúng ta cũng có hơi thở. Thở luôn luôn diễn ra trong hiện tại. Vì vậy hơi thở là cửa ngõ đưa ta về với giây phút hiện tại.

Chúng ta có thể ý thức hơi thở bất cứ lúc nào chứ không chỉ khi ngồi thiền. Tuy nhiên, để thực hành ý thức hơi thở một cách nghiêm túc và có phương pháp, chúng ta nên chọn một nơi yên tĩnh, ngồi với tư thế thật ngay thẳng, nhưng phải thoải mái. Chúng ta có thể ngồi xếp bằng trên gối nệm để dễ dàng giữ cột sống được thẳng; chúng ta cũng có thể quỳ bẹt dùng một cái đồn thấp hỗ trợ dưới bàn tọa; hoặc chúng ta có thể ngồi trên ghế tựa buông thỏng hai chân chạm nền. Ở tư thế nào trong các tư thế này, thân thể chúng ta cũng đều trụ trên ba điểm chính một cách vững chắc như kiềng ba chân, và cần có sự tác ý vừa đủ để giữ lưng thẳng, buông thư mà không cứng nhắc.
Ngồi vững chãi rồi, chúng ta bắt đầu chú ý đến hơi thở, hoặc ở đan điền, hoặc ở vùng ngực, hoặc ở đầu mũi, tùy theo cảm giác cụ thể về hơi thở của mỗi người. [Mặc dù khi hành thiền, chúng ta không nên can thiệp vào hơi thở tự nhiên mà cứ để hơi thở diễn ra bình thường, nhưng lúc bắt đầu, chúng ta nên thở chậm và sâu. Thở vào, nên dừng một chút, rồi thở ra, dừng một chút, lại thở vào. Cứ thở như vậy, nhưng đừng ép.] Chúng ta chỉ theo dõi quá trình hít thở đơn giản này mà thôi. Hay nói cách khác, chúng ta đừng thở, mà hãy để hơi thở tự diễn ra. Chúng ta chỉ chú ý đến hơi thở tự nhiên đang diễn ra đó.
Theo dõi hơi thở là phương pháp thực hành rất căn bản và hiệu nghiệm. Đó là việc cả đời. Chúng ta càng ý thức rõ và liên tục về hơi thở chừng nào, chúng ta sẽ càng thấy hơi thở tự nó là tất cả. Ý thức hơi thở qua nhiều tháng, nhiều năm, chúng ta sẽ thấy rõ hơn tính toàn vẹn của hơi thở.
Khi thở, có hơi thở dài, có hơi thở ngắn. Đôi khi hơi thở chỉ diễn ra ở vùng ngực, có khi hơi thở xuống tới vùng bụng. Đôi khi hơi thở cạn và có áp lực, có khi hơi thở sâu và rất tự nhiên. Hơi thở có khi êm dịu, có khi dồn dập. Mỗi một lần ngồi, hơi thở có thể đa dạng như thế, chậm chí có thể có rất nhiều biểu hiện khác hơn nữa. Và như thế, chúng ta sẽ thấy rằng cũng chỉ là hơi thở thôi, nhưng chẳng có hơi thở nào giống hơi thở nào.
Tuy nhiên, tâm ý con người rất năng động và có thể hành hoạt đủ điều chứ không chịu theo dõi hơi thở mà thôi. Phần lớn chúng ta đều bị phân tâm dễ dàng, nhưng chúng ta không nhận ra điều đó cho đến khi chúng ta bắt đầu cố gắng làm một việc rất đơn giản, đó là thở. Dường như tâm chúng ta đã quen nghĩ tưởng. Hết nghĩ điều này đến tưởng chuyện khác. Nhưng không sao, tâm ý hành hoạt như thế không phải là vấn đề, mà ý thức được như vậy là một sự khám phá mới đó. Chúng ta đang phát hiện ra tâm ý chúng ta đang đi hoang đó.

Nhưng ở giai đoạn thực tập này, chúng ta không cần quan sát quá kỹ tâm tưởng trôi dạt của mình. Khi chúng ta nhận ra rằng tâm mình đang trôi dạt, chỉ biết vậy, rồi trở về với hơi thở đơn giản mà không phiền hà hay đánh giá gì cả. Có thể có những lần ngồi, dường như chúng ta chỉ làm có một việc duy nhất là liên tục nhận ra tâm ý trôi dạt rồi đưa tâm ý trở về với hơi thở. Khi thực hành tiến bộ rồi, chúng ta có thể duy trì ý thức hơi thở lâu hơn. Nhưng thế nào cũng được, không sao cả. Thực hành ý thức hơi thở không phải là sự thi thố, nên chúng ta không cần đấu tranh. Mà thay vì thế, chúng ta chỉ cần nhận ra rằng chính ý thức về sự vọng động của tâm mình đã là một sự thực hành xứng đáng rồi. Quên ý thức hơi thở không phải là lỗi, cũng không phải là dấu hiệu yếu kém. Đơn giản là ý thức hơi thở, và khi nhận ra mình quên, thì trở về vậy thôi.
L. Rosenberg
Giác Kiến dịch

No comments:

Post a Comment