28.12.14

Trường Tomoe và những dòng hồi ký đầy tình người của Tetsuko Kuroyanagi

PTA: Trường Tomoe là một ngôi trường đặc biệt được xây dựng vào thập niên 40 của thế kỷ trước ở Nhật Bản. Đặc biệt thế nào, Tetsuko Kuroyanagi kể lại trong đoạn hồi ký dưới đây. Tôi thích nên đã dịch ra tiếng Việt. Bản dịch không được văn hoa lắm. Có nhiều chỗ chưa ưng ý. Biết vậy, tôi vẫn muốn chia sẻ với các bạn đoạn hồi ký này ở đây hôm nay như một kỷ niệm. Đoạn này là một trong những đoạn được những người yêu thích Totto-chan nhắc đến nhiều nhất trong buổi tọa đàm hôm nay 28/12/2014 tại Phương Thảo Am - Giáo dục và lối sống qua tập hồi ký về giáo dục của Tetsuko Kuroyanagi. Và cũng từ những dòng chữ đầy tình người này, bao tình thân, tình thương, ý tưởng, suy nghĩ, suy tư, hiểu biết, ước mơ, niềm tin đã được chia sẻ tại Thiền đường Không Vách, Phương Thảo Am, sưởi ấm tấm lòng những người có duyên với ngành giáo dục và với đạo Thiền.

--------------

Viết thêm về trường Tomoe và thầy Sosaku Kobayashi

Tetsuko Kuroyanagi, 1982


Viết về ngôi trường có tên Tomoe và thầy Sosaku Kobayashi, người thành lập và điều hành ngôi trường ấy là một trong những điều tôi mong muốn nhất trong một thời gian dài.

Tôi không sáng chế ra một tình tiết nào cả. Tất cả đều là những sự kiện có thật đã xảy ra và may mắn, tôi nhớ lại được một ít chi tiết trong số đó. Bên cạnh ý muốn đặt bút viết ra những điều ấy, tôi lại lo bổ sung những chi tiết đáng tin cậy đã bị bỏ sót. Như tôi đã mô tả trong một phần mục, khi còn bé, tôi hứa trịnh trọng với thầy Kobayashi là khi lớn lên, tôi sẽ dạy tại trường Tomoe. Tuy nhiên, tôi không thể thực hiện được lời hứa đó. Thay vào đó, tôi cố gắng bộc lộ với càng nhiều người càng tốt, con người thầy Kobayashi là như thế, lòng yêu thương trẻ em là như vậy đó và cách thầy dạy dỗ trẻ em như thế nào.

Thầy Kobayashi mất vào năm 1963. Nếu Thầy còn sống đến ngày hôm nay, Thầy có thể làm được nhiều việc hơn là những điều Thầy đã đã nói ra. Ngay cả khi tôi viết cuốn sách này, tôi nhận ra rằng có nhiều tình tiết, đối với tôi, dường như chỉ là những ký ức vui đẹp của thời thơ ấu, nhưng thật ra, đó là những hoạt động Thầy đã khéo nghĩ ra để đạt được một mục đích giáo dục nào đó. “Vậy là, đây là điều mà Thầy đã để tâm đến rồi,” tôi nhận ra mình đang nghĩ ngợi. Hay là “Chỉ nghĩ đến điều ấy thôi là đã thấy Thầy tuyệt vời.” Với mỗi một điều tôi khám phá ra, tôi đều cảm thấy ngạc nhiên, vô cùng cảm động và biết ơn.

Trong trường hợp của tôi, thật không thể tả cho hết Thầy đã nuôi lớn tôi như thế nào bằng cách thường xuyên nói với tôi “em có biết không, em thật sự là một cô bé tốt.” Nếu tôi không vào trường Tomoe học và không gặp được thầy Kobayashi, có lẽ tôi sẽ bị dán cái nhãn là ‘cô bé xấu’ và trở nên đầy mặc cảm và lầm lạc.

5.6.14

Đã đến lúc phải thực hiện

Đã đến lúc phải thực hiện: Tuyên ngôn Phật giáo về thay đổi khí hậu

Tác giả: David Tetsuun Loy, Bhikkhu Bodhi và John Stanley
Dịch tiếng Việt: Giác Kiến

Trong quá trình chuẩn bị khẩn trương cho Hội nghị quan trọng về Hiệp ước Khí hậu Liên Hiệp Quốc tại Copenhagen vào tháng 12 năm 2009, Tuyên ngôn sau đây sẽ trình bày cho giới truyền thông quốc tế một quan điểm tâm linh độc đáo về tình trạng thay đổi khí hậu và trách nhiệm cấp bách trong việc đưa ra các giải pháp cho tình trạng này. Bản Tuyên ngôn này xuất phát từ sự đóng góp của hơn 20 vị Thầy thuộc các truyền thống Phật giáo được ghi lại trong cuốn “Giải pháp của Phật giáo cho Tình trạng Khẩn cấp về Khí hậu.” Đã đến lúc phải hành động là một tài liệu được soạn thảo như một Tuyên bố chung cho giới truyền thông do giảng sư Thiền học Tiến sĩ David Tetsuun Loy và giảng sư Phật giáo Nguyên thủy Tỳ Kheo Bodhi, với những đóng góp về phương diện khoa học của Tiến sĩ John Stanley.

Đức Đạt Lai Lạt Ma là người đầu tiên ký Tuyên ngôn này. Chúng tôi xin mời tất cả thành viên của cộng đồng Phật tử thế giới có quan tâm đến vấn đề này, hãy nghiên cứu tài liệu và góp thêm tiếng nói của mình bằng cách cùng ký vào Tuyên Ngôn ở cuối trang. 
~~~~~~~~~~~~
~~~~~~~~~~~~

Ngày nay chúng ta đang sống trong một thời đại với nhiều khủng hoảng nghiêm trọng, đương đầu với những thử thách cam go nhất mà nhân loại chưa từng đối mặt: những hậu quả về sinh thái do cộng nghiệp của chúng ta gây ra. Xác minh khoa học đã quá rõ ràng: hoạt động của loài người đã gây ra sự hủy hoại môi trường trên toàn hành tinh. Đặc biệt hiện tượng trái đất nóng dần đang diễn ra càng lúc càng nhanh hơn dự đoán trước đây, rõ ràng nhất là ở Cực Bắc. Trải qua hàng trăm ngàn năm, Bắc Băng Dương được bao phủ bởi một biển băng rộng bằng diện tích nước Úc – nhưng bây giờ biển băng này đang tan rất nhanh. Vào năm 2007, Ủy Ban Liên Chính Phủ về Hiện Tượng Trái Đất Nóng Dần (IPCC) dự báo rằng vùng Bắc Cực sẽ không có băng biển vào mùa hè trước năm 2100. Bây giờ rõ ràng là điều này sẽ xảy ra trong vòng một hay hai thập kỷ tới đây. Tảng băng khổng lồ của Greenland cũng tan dần nhanh hơn dự đoán. Mực nước biển trong thế kỷ này sẽ tăng lên ít nhất là một mét - bấy nhiêu cũng đã đủ để làm ngập lụt các thành phố ven biển và các cánh đồng lúa phì nhiêu như đồng bằng sông Mekong ở Việt Nam.