13.9.16

Ngồi thiền và tỉnh thức

L. Rosenberg
Giác Kiến dịch
Đây là một bài hướng dẫn thiền được trích dịch từ tập sách Living in the Light of Death (Biết Tử là Bất Tử) của Giáo sư L. Rosenberg. Nhận thấy cách Gs. Rosenberg hướng dẫn thiền rất gần với phương pháp thiền quán niệm hơi thở mà thiền sinh tại Phương Thảo Am đang thực tập, nên chúng tôi dịch và giới thiệu cùng quý vị. 

Tỉnh thức trên hơi thở là phần chính của phương pháp quán niệm hơi thở. Nhưng khi không tập trung trên hơi thở được, thì chúng ta làm gì? Gs. hướng dẫn: 
Có khi một ý tưởng hay trạng thái cứ xuất hiện đi xuất hiện lại như thể đến để lôi chúng ta khỏi hơi thở... Chúng ta có thể tạm thời rời hơi thở để chú ý vào ý tưởng hay trạng thái đang lôi kéo sự chú ý của mình. Chúng ta ý thức về đối tượng đó giống như cách chúng ta ý thức về hơi thở vậy. Ý thức như vậy cũng thường có tác dụng làm cho các ý tưởng hoặc trạng thái đó dừng lại và tan dần đi. Khi nó mất tác dụng lôi cuốn rồi thì chúng ta có thể trở lại ý thức về hơi thở. 
Có lúc quá trình thực tập trở nên quá phức tạp, quá nhiều hiện tượng nảy sinh cùng lúc và dường như chúng ta lạc vào trong đó. Trong trường hợp này, tốt nhất là nên trở về hơi thở, tập trung ý thức hơi thở để cho tâm an tịnh trở lại. Sự trở về này không phải là thất bại. Mà đó là trí tuệ: tự mình thấy biết các hiện tượng và biết phương pháp nào là phương pháp thực tập tốt nhất cho chính mình.
Mời quý vị đọc hết bài dịch dưới đây, chúc quý vị an lành và thực hành tốt.
 -----------------------------------
Cốt yếu của thiền định là để định tâm. Nhưng dĩ nhiên, chúng ta không thể tránh khỏi những tâm tưởng vọng động nảy sinh khi hành thiền, chẳng hạn cảm giác đau trên thân, hay một niệm tưởng sân giận hoặc lo sợ trong tâm. Có khi một ý tưởng hay trạng thái cứ xuất hiện đi xuất hiện lại như thể đến để lôi chúng ta khỏi hơi thở. Vậy nên, trong giai đoạn đầu của quá trình thực tập, chúng ta có thể mở rộng phạm vi ý thức đến các ý tưởng lao xao đó. Chúng ta có thể tạm thời rời hơi thở để chú ý vào ý tưởng hay trạng thái đang lôi kéo sự chú ý của mình. Chúng ta ý thức về đối tượng đó giống như cách chúng ta ý thức về hơi thở vậy. Ý thức như vậy cũng thường có tác dụng làm cho các ý tưởng hoặc trạng thái đó dừng lại và tan dần đi. Khi nó mất tác dụng lôi cuốn rồi thì chúng ta có thể trở lại ý thức về hơi thở.
Người bắt đầu thực hành thiền thường hỏi mỗi lần ngồi nên ngồi bao lâu. Tùy thôi. Trong khóa học Thiền căn bản mười tuần mà tôi hướng dẫn, tôi thường cho thiền sinh bắt đầu ngồi chừng 15 phút rồi lần lần cố gắng ngồi cho được một tiếng đồng hồ, bởi trong khoảng thời gian học này, ở nhà, họ cũng ngồi thiền thường xuyên. Trong các khóa tu thì hầu hết mỗi lần ngồi là 45 phút, có khi đến 1 tiếng. Tôi thường khuyến khích người bắt đầu nên ngồi lâu hơn cái khoảng thời gian mà họ ấn định một chút, để tự mình khỏi bị kẹt vào hoặc nhàm chán với cái ‘phải’ làm. Nếu không thấy vui trong nỗ lực của mình, người thực tập sẽ chán; nếu thực tập đòi hỏi quá nhiều nỗ lực, người thực tập rất có thể bị nản lòng và bỏ cuộc.


Cần lưu ý rằng, dù thời ngồi thiền dài hay ngắn, ngồi xong, không có nghĩa là thôi tỉnh thức. Điều chính yếu của thực hành tỉnh thức là tập cho ý thức luôn có mặt trong mọi tình huống. Khi nói chuyện, khi ăn uống, khi tắm giặt, chúng ta ý thức các thao tác của mình giống như chúng ta ý thức hơi thở khi ngồi thiền vậy. Ngồi và theo dõi hơi thở có thể xem như là cách thực tập tỉnh thức dễ nhất, vì nó quá đơn giản. Mục đích chính là làm sao sống tỉnh thức trong mọi sinh hoạt của mình.

Cũng có người hỏi nên thực tập bước đầu tiên này bao lâu thì chuyển qua bước tiếp theo. Ừ, Câu hỏi này cần đó. Tôi thường trả lời rằng chúng ta nên thực tập ý thức hơi thở cho đến khi nào chúng ta thấy mình ý thức hơi thở khá tốt, tức là đã được sự an tịnh và quân bình ở mức độ nào đó nhờ ý thức hơi thở. An tịnh và quân bình không có nghĩa là sự vắng mặt hoàn toàn các ý tưởng lao xao, mà là khả năng nhận diện các ý tưởng khá nhanh khi chúng xuất hiện và lập tức trở về ý thức hơi thở. Ý tưởng vẫn có đó, nhưng chúng ta có thể để cho nó đến rồi đi mà chúng ta không hề bị vướng vào.

Trong khóa học Thiền căn bản mười tuần, tôi thường chuyển sang bước thứ hai sau tuần thứ bảy hoặc thứ tám. Trong khóa tu chín ngày - trong khóa này thiền sinh ngồi thiền hầu như suốt ngày - thì sau ngày thứ ba hoặc thứ tư sẽ chuyển sang bước thứ hai. Tuy nhiên, thiền sinh không phải chuyển từ bước thứ nhất sang bước thứ hai, tôi luôn cho họ biết như vậy. Nếu họ muốn tiếp tục ý thức hơi thở, vẫn tốt. Ý thức hơi thở không phải là lớp mẫu giáo. Như tôi đã nói, ý thức hơi thở là phương pháp thực tập rất căn bản và hiệu nghiệm. Thực tập càng chuyên, hiệu nghiệm càng cao. Không nhất thiết phải chuyển bước gì cả. Thực hành ý thức hơi thở thôi cũng có thể đạt được giác ngộ.

Ở bước thứ hai thì phạm vi ý thức rộng hơn nhiều. Nói chính xác hơn, bước này dẫn đến sự ý thức tuyệt đối vô hạn. Với phương pháp này, chúng ta bắt đầu ngồi thiền bằng sự tập trung tâm ý vào hơi thở, nhưng khi chúng ta đã đạt được sự an tịnh ở mức độ nào đó rồi, chúng ta sẽ có khả năng ý thức rất rõ bất cứ điều gì xảy ra, trên thân, trong tâm hoặc xung quanh. Chúng ta vẫn ý thức hơi thở và xem nó như một cái neo, rất nhiều người thực hành như vậy. Nhưng cũng có người thấy không cần thiết phải neo ý thức vào hơi thở.

Bây giờ chúng ta đã đủ khả năng tiếp xúc với những biểu hiện mà chúng ta cho là lao xao trước đây, đó là những ý tưởng hay trạng thái đã lôi mình khỏi hơi thở. Trước đây, những biểu hiện đó là cả phần nền trong khi hơi thở chỉ đi qua trên bề mặt. Còn bây giờ, có lẽ, hơi thở đã trở thành nền móng và những biểu hiện đó chỉ đi qua trên bề mặt. Hoặc có thể nói, khi thực tập đã trở nên tinh tế hơn, không có cái gọi là nền móng hay bề mặt gì nữa cả, mà chỉ có những hiện tượng sinh khởi trong cùng một thể thống nhất mà thôi.

Có thể là tiếng động, ví dụ chúng ta ngồi ở đâu, ngay cả trong phòng thiền yên vắng, chúng ta vẫn nghe có âm thanh hoặc bên trong phòng hoặc từ ngoài phòng. Có thể là cảm giác trên thân, một cảm giác đau đớn căng thẳng hoặc thư giản dễ chịu. Có thể là có mùi hương hay làn gió nhẹ lướt qua. Có thể là những ý tưởng. Như khi chúng ta đang ý thức hơi thở, chúng ta không muốn bị cuốn theo dòng ý tưởng, nhưng chắc chắn chúng ta biết có những ý tưởng khởi sinh trong tâm thức. Có thể có những trạng thái tâm lý phức tạp kết hợp giữa những ý tưởng trong thân và cảm giác trên thân như trạng thái sợ sệt hay buồn nản.

Quá trình theo dõi các hiện tượng này nảy sinh và tan biến phức tạp hơn nhiều so với theo dõi hơi thở. Theo dõi hơi thở chính là bước đầu dẫn đến quá trình thực tập phức tạp này. Có lúc nó trở nên quá phức tạp, quá nhiều hiện tượng nảy sinh cùng lúc và dường như chúng ta lạc vào trong đó. Trong trường hợp này, tốt nhất là nên trở về hơi thở, tập trung ý thức hơi thở để cho tâm an tịnh trở lại. Sự trở về này không phải là thất bại. Mà đó là trí tuệ: tự mình thấy biết các hiện tượng và biết phương pháp nào là phương pháp thực tập tốt nhất cho chính mình.

Nhìn theo cách khác, những gì tôi trình bày ở đây không có phức tạp hay khó khăn gì cả. Những gì chúng ta đang học, bắt đầu với ý thức hơi thở, là một nghệ thuật ngưng hoạt động, ngưng dần cho đến khi chúng ta không làm gì nữa hết, chỉ tỉnh thức, mặc cho các hiện tượng tâm lý sinh khởi. Không hề có sự phân tán nữa, chúng ta chỉ tỉnh thức về các hiện tượng tâm lý của mình như nó đang là. Không có sự trông mong. Chúng ta chỉ biết những gì có mặt như nó là. Đó là sự sống của chúng ta ngay trong giây phút hiện tại. Chúng ta có thói quen luôn hoạt động để thay đổi môi trường, cải thiện tình huống, do đó không hoạt động gì cả dường như là một việc khó. Thực ra không có gì khó hơn việc này. Chúng ta chỉ ngồi và cứ để thể giới quanh ta biểu hiện.

Thực tập như vậy dần dần chúng ta sẽ thấy hai bước thực hành này – định tâm và quán chiếu – không phải là dễ hay khó, căn bản hay chuyên sâu nữa, mà là hai phương cách thực hành. Có lúc cần thực tập định tâm, có lúc cần thực tập quán chiếu. Chúng ta sẽ bắt đầu thấy đây là một nghệ thuật, đi từ ý thức hơi thở đến sự ý thức rộng hơn, hoặc đôi khi, phải trở lại với hơi thở. Định tâm và quán chiếu hỗ trợ nhau như tay trái với tay phải vậy. Tâm định tĩnh nhìn sự vật hiện tượng sáng tỏ hơn. Và sự sáng suốt sẽ làm cho tâm định tĩnh. Không cần thiết phải có sẵn một phương pháp tuyệt hảo nào cả. Vì chẳng có sự tuyệt hảo nào giữa thế gian này đâu. Chúng ta sẽ không bao giờ thấy có sự dừng lại của sự thực hành tỉnh thức. Thực hành tỉnh thức tự nó sẽ đưa ta đi trọn con đường, đó là con đường tâm linh.

No comments:

Post a Comment