11.9.16

Hạnh biết đủ

1. Để tập biết đủ, trước thử hỏi mình thực sự muốn gì. Nhà to, xe tốt hay hạnh phúc? Muốn bao nhiêu cho vừa? Nếu bạn muốn nhà to, xe tốt, hãy làm những gì bạn muốn nhưng đừng làm một cách không chính đáng là bạn đang bắt đầu biết đủ rồi đó. Nếu bạn muốn hạnh phúc, hãy tập muốn ít, hạnh phúc, và thứ gì cũng vậy.

2. Những năm sau 1975, kinh tế xã hội đất nước đang còn trong thời kỳ khó khăn. Đời sống tu sĩ, cả vật chất lẫn tinh thần cũng bị ảnh hưởng theo. Trong số bạn đồng tu của thầy Giác Dũng, nhiều người dù đã xuất gia, đã không thể đặt lý tưởng giải thoát lên hàng đầu. Thầy Giác Dũng vẫn kiên định lý tưởng của mình. Khi đó, so với bạn đồng tu ngang lớp, thầy Giác Dũng không có điểm sáng nào đáng ghi nhận. Các bạn đồng tu kể lại như thế. Chính lúc đó, biết đủ là một trong những cái phao đưa thầy qua nhiều trận cuồng phong bảo táp. Thầy biết đủ với vật chất, với tri thức, và với cả bình an nội tại. Đó là muốn ít.
3. Với vật chất, với tri thức, với bình an nội tại, biết đủ luôn lợi ích. Đặc biệt trong khó khăn về vật chất, biết đủ rất lợi ích. Biết đủ không phải là chán chê, như con cáo chê chùm nho (La Fountain).  Biết đủ là tâm thái của người hiểu ra nhân quả.
4. Tuy nhiên, về tinh thần, biết đủ không phải lúc nào cũng có lợi. Trong tiến trình hướng đến giác ngộ, đức Phật đã không cho phép mình hài lòng dừng lại với kết quả đạt được. Ngài đã tiến lên mãi cho đến khi không còn chỗ nào để tiến nữa (MN.26). Như vậy khi nào và trong trường hợp nào biết đủ có lợi ích là điều không nên quên.
5. Với thầy Giác Dũng, ai thân cận với thầy đều thấy, bên cạnh hạnh biết đủ, thầy có tính cầu tiến vượt bậc. Những lần dấn thân đi đầu trong kinh tế tự túc của nhà chùa, vào tận buôn làng để độ người đồng bào, đãi cát tìm vàng trong đào tạo tăng trẻ đã thể hiện tính cầu tiến của thầy.
6. Một cách khác để tập biết đủ là trân trọng những nguồn vui nhỏ, ví dụ như thưởng thức một tách trà, ăn một trái quýt, chăm một chậu bông. Những năm về già, thầy có chăm mấy giò lan. Tôi thấy ở các cơ sở Phật giáo khác, người ta trồng nhiều loại lan quý và đẹp lắm. Còn thầy, có đôi chục giò lan mà chủ yếu là những cánh lan rừng rẻ tiền người cho, mà lúc rảnh thầy chăm, thầy ngắm như thể quý lắm.
7. Nếu là học trò của thầy, càng dõi theo bóng hình thầy bao nhiêu, người học dễ có cảm giác như biết đủ mà chẳng đủ bấy nhiêu.
8. Thời buổi này, con người phải đầu tắt mặt tối vì chuyện áo cơm. Biết đủ thế nào được? Thực ra, biết đủ không phải là an phận thủ thường. Sống phải cầu tiến. Biết đủ nghĩa là không vì áo cơm mà làm điều không chính đáng, như gian tham, trộm cắp, lấy của không cho. Vui với những gì đã có. Thiếu cơm thiếu áo cũng không phiền. Biết đủ nghĩa là có cơm áo thì dùng mà không phiền ngại không dính mắc. Với chỗ ở và điều kiện nghỉ ngơi cũng thế. Lại cũng không vì mình biết đủ mà khen mình chê người. Luôn luôn chuyên cần chánh niệm tỉnh giác. Đó là người đứng vững trong truyền thống cao quý xưa nay, là người giữ được bản sắc của một thanh tăng.
Nói tóm lại, biết đủ là bước đầu tiên trên con đường trí tuệ giải thoát.

Giác Kiến

No comments:

Post a Comment