13.10.16

Vẽ bánh đủ chưa?

PTA: Vẽ bánh để làm gì? Đó là câu hỏi mà chúng tôi đã tự đặt ra cho chính mình hơn 5 năm rồi. Chúng tôi cũng đã chia sẻ những suy tư liên quan vấn đề này với thầy của chúng tôi, người sáng lập PTA và một số bạn bè. Nhưng thú thật, chúng tôi không nhận được sự đồng cảm, có lẽ mọi người nghĩ rằng chúng tôi bi quan. Từ đó, chúng tôi ít bàn đến chuyện vẽ bánh nữa và tập ngưng. Ngưng nói và ngưng vẽ. 
Hôm nay, tình cờ lại thấy vấn đề này được bàn đến trên TBKTSG qua bài viết có tựa Hãy là nhà lãnh đạo "tâm tư" của Nguyễn Hữu Long. Cái tựa không hay lắm, chúng tôi không thích; nhưng nội dung rất chất. Bài viết phản ánh rất thực hiện trạng "vẽ bánh", "bắn pháo hoa", "nói lời có cánh" tràn lan hiện nay. Điều này khiến chúng tôi đã ngưng nói lại muốn nói. 
Nhưng lần này, khi có dịp để nói, chúng tôi sẽ không bắt đầu câu chuyện là vẽ bánh để làm gì nữa, mà chắc phải bắt đầu là vẽ bánh đã đủ chưa!
Bây giờ, mời quý vị đọc bài viết của Nguyễn Hữu Long trước.
Nguồn: TBKTSG
------------------------------------------

Hãy là nhà lãnh đạo “tâm tư”!
Nhiều người nói nhà lãnh đạo phải luôn lạc quan, phải có suy nghĩ tích cực để tạo niềm tin và động lực cho đội ngũ. Nói thế là đúng rồi! Nhà lãnh đạo mà bi quan, mất niềm tin thì còn gì để nói nữa. Nhưng lạc quan không có nghĩa là lúc nào cũng cười tươi, hân hoan; hay lúc nào cũng vẽ cho cấp dưới những chiếc bánh vẽ thật đẹp. Tích cực không có nghĩa là chỉ nhìn thấy điều thuận lợi, cơ hội tuyệt vời, con đường thành công...

Bên cạnh một tinh thần lạc quan và một niềm tin sắt đá vào con đường tương lai, nhà lãnh đạo hãy luôn chia sẻ, nhắn nhủ với nhân viên, đặc biệt là những cộng sự thân cận những điều hết sức thật lòng.

Những lúc đó, mọi người cùng ngồi trầm ngâm bên nhau, cùng “tâm tư” suy nghĩ nghiêm túc về những gì đang diễn ra chung quanh. Nhà lãnh đạo đừng cố liên tục “bắn pháo hoa” cho tương lai, cũng không chỉ ca ngợi thành tích, thắng lợi, hay những kết quả trên cả tuyệt vời và cũng đừng khen ngợi anh em bằng những lời “có cánh”. Hãy giúp mọi người nhìn nhận thực tế và luôn trong tư thế sẵn sàng đối mặt với thực tế.

Hãy bắt đầu điều hành một doanh nghiệp (khi được chuyển giao) bằng một “chiến dịch” dễ gây hiểu lầm là “bi quan” thay vì lạc quan. Thay vì hăm hở đưa ra những mục tiêu “vĩ đại” với những kế hoạch hoành tráng cùng một tương lai sáng ngời, chúng ta hãy bắt đầu bằng một chương trình với tên gọi: “nhìn thẳng vào sự thật”, hay “đối diện với nỗi buồn”. Sự thật mà chúng ta đề cập ở đây là những bất cập, khó khăn, chướng ngại, bao gồm cả những nguy cơ. Còn nỗi buồn là những bảo thủ, trì trệ, cách thức làm việc thiếu khoa học, sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ công ty...

Tôi đã từng áp dụng những điều trên khi đảm nhận vai trò điều hành một doanh nghiệp cùng lúc với việc thực hiện một chương trình bao gồm danh sách “những việc cần ngừng ngay” thay vì “những việc cần làm ngay”. Ý tưởng này nằm trong cuốn sách “Good to Great” của tác giả Jim Collins mà tôi may mắn đọc được cách đây đã hơn 10 năm. Bạn có biết rằng ngừng ngay một việc vô nghĩa, vô lý, vớ vẩn, lập tức sẽ tạo ra giá trị (tiết kiệm chi phí, loại bỏ rủi ro, chống thất thoát...) cho công ty. Còn cho làm ngay một việc có lý, sẽ cần thời gian nhiều hơn để thấy kết quả! Do đó đây nên là bước tiếp theo sau khi ta điều chỉnh những vấn đề bất hợp lý trong tổ chức.

Bên cạnh những cách thức thông thường như động viên, khen thưởng, chăm lo đào tạo... nhà lãnh đạo hãy tạo “năng lượng tích cực” cho cấp dưới và cộng sự của mình bằng cách nêu lên những thách thức, khó khăn mà tổ chức đang đối mặt và “lôi kéo” họ chung tay với mình, cùng tìm các giải pháp. Hãy đặt niềm tin vào họ - những người sẽ sát cánh cùng bạn giải quyết những vấn đề trọng đại đó.

Một khi nhân viên đã có động lực thì nguồn động lực này rất bền bỉ vì họ được cấp trên tin tưởng với một niềm tin lãnh đạo sẽ sát cánh cùng họ để vượt qua khó khăn. Và nguồn động lực đó bền bỉ vì nhân viên hiểu một cách rõ ràng rằng thành quả đạt được (sau khi vượt qua thách thức) là công sức của cả tập thể chứ không riêng gì của nhà lãnh đạo.

Lúc nào đó, bạn - nhà lãnh đạo doanh nghiệp - hãy thử “nhìn thẳng vào sự thật”, “đối diện với nỗi buồn” và “tâm tư” chân tình, đầy trách nhiệm với những cộng sự quanh mình, chắc chắn họ sẽ có động lực (bền vững hơn) để sát cánh cùng bạn!

Nguyễn Hữu Long



No comments:

Post a Comment