12.10.16

Nếp sống của một vị sư

Theo dự kiến, trong thời gian tới, PTA sẽ cố gắng giới thiệu đến các thân hữu một cách kỹ càng hơn về cuộc đời và câu chuyện có thật liên quan đến Tổ, Thầy và các vị Thiền Sư lớn.
Các vị là những bậc chân tu có tầm ảnh hưởng không nhỏ đến việc Hoằng Dương Chánh Pháp và đã gặt hái những thành quả nhất định trên con đường thực nghiệm tâm linh theo lời Đức Thế Tôn chỉ dạy.
Mong sao, qua những tấm gương sáng, chúng ta có thể tự soi lại mình, thêm niềm tin để tiếp bước trên con đường thực hành tỉnh thức, trải nghiệm được hương vị giải thoát ngay trong giây phút hiện tại này.
Dưới đây là một bài ký sự ngắn, ghi lại một kỉ niệm nhỏ của người viết về Trưởng lão Giác Dũng. Bài viết đã được đăng trên tập san Vô Ưu số 43/ 2011. Nay PTA sưu tập lại và giới thiệu ở đây để mọi người có thể tiện theo dõi. Cũng là để hiểu thêm về nếp sống "biết đủ" của Thầy.
----------------------------
Kể từ khi Dak Nông được tách ra khỏi tỉnh DakLak, tôi ít có dịp ghé lại tịnh xá để thăm Sư.
Hằng năm, chừng ba lần, tôi mang nội san H.T.B lên tặng người, gọi là chút tình tri ngộ.
Năm ngoái, vào lễ Vu lan, lần đó báo cũng bị ra muộn; tôi và Tâm Lộc đến Ngọc Quang đúng trưa rằm tháng bảy.
Lúc đó, Sư đang trò chuyện cùng các đạo hữu ở ngay cốc của mình. Tôi chắp tay chào Người và nói đùa: khi nào con lên đây, Sư cho con cái cốc này! Vừa nói, tôi vừa chỉ vào cốc của Sư.
Sư cũng đùa lại: ừ, lên đây, Sư cho ngay.
Rồi, Sư mời chúng tôi vào phòng khách. Chúng tôi kính dâng báo hiếu. Xem sơ qua, Sư ngỏ lời tán thán: Dak Nông non trẻ, ít người làm được tờ nội san Phật giáo như thế này thật quý hóa.
Nhân tiện, tôi nhắc: Bạch Sư, hơn mười năm về trước người ký quyết định giao cho con tiểu ban báo chí, với tờ Vô Ưu; bây giờ, ở Dak Nông con lại giúp tờ HTB –  Đúng là nghiệp dĩ, Sư nhỉ!
Sư cười: “Nghiệp trả chưa xong, thì cứ tiếp tục”
      - Dạ, nghiệp con còn nặng lắm, nhất là nợ với văn chương! Tôi cũng cười, đáp lại.
Trên đường về nhà, Tâm Lộc hỏi: Sư ở cốc đó sao?
- Ừ, tôi trả lời. Bạn ngạc nhiên lắm à? Tôi hỏi lại.
- Đệ tưởng đó là một cái kho chứa đồ đạc gì của tịnh xá chứ. Với một cơ ngơi nguy nga như thế này mà vị Sư trú trì chỉ ở khiêm tốn trong một cốc bằng gỗ cũ, nếu không muốn nói…xập xệ, thì cuộc sống của vị Sư này quả thật đầy đạo vị, khó tìm kiếm ra ở thời đại này!
- Thôi, vừa rồi. Tôi ngắt lời
Không dằn được cảm xúc, Tâm Lộc bày tỏ:
Riêng cái cốc của nhà Sư, huynh nhìn kỹ xem, rộng chỉ khoảng chừng năm sáu mét vuông, bằng gỗ thường, dễ chừng hơn ba chục năm dãi dầu, và mái thì lợp tôn, có lẽ ngày nắng rất nóng, đêm mưa lạnh cũng thấu xương. Còn bên trong, một chiếc chiếu cói rẻ tiền trải trên một chiếc sạp gỗ bình thường, với một hàng kệ kinh sách và chứa ít đồ nhật dụng. Và nữa, nhà vệ sinh thì cách cốc khoảng chừng hai ba chục mét cách xa; không biết đêm hôm vị sư già gần tám chục tuổi này đi đứng ra sao khi bụng dạ có… vấn đề.
-   Ôi!- Tâm Lộc thở dài ái ngại!
Nhìn nét ưu tư hiện hằn lên khuôn mặt của người bạn trẻ; thuận dịp, tôi kể thêm một vài hành trang của Sư, mà người trong cuộc chính là chúng tôi.
Chuyện rằng, cũng cách đây hơn mười năm, tôi và Thiện Trí, có một phật sự khá cấp thiết, mãi đến 8 giờ tối vẫn chưa giải quyết xong; khâu cuối cùng là qua Tịnh xá để xin chữ ký của Sư, vì hồi ấy người đang giữ chức T.B Trị sự.
Lúc gặp, có lẽ cũng khoảng chín giờ đêm, biết chúng tôi chưa có gì bỏ bụng; ở nhà trù lúc này cũng chẳng còn thức ăn gì. Ngoài kia, trời đang mưa lất phất.  Âm thầm, Sư lặng lẽ đi ra quán tạp hóa phía ngoài Tịnh xá, mua hai gói mì chay, rồi chế nước sôi trong bình thủy cho chúng tôi ăn dằn bụng, vì biết nhà chúng tôi xa hơn hai chục cây số. Khi nhìn thấy Sư tay áo che đầu, tay kia cầm mì gói đi dưới mưa, chúng tôi cảm động quá. Tôi nói thầm với Thiện Trí: “Chúng mình tổn phước rồi!” Thiện Trí niệm Phật hiệu đáp lại.
Hai đứa yên lặng ngồi ăn, không biết tại vì đói hay tại tấm lòng từ bi của Sư lan tỏa mà bữa ăn ấy ngon lạ lùng.
Với Sư, ngoài một cuộc sống đơn giản và đạm bạc, những mật hạnh cũng ly kỳ. Chính kẻ viết bài này đã hơn một lần thâm cảm. Và vì một tế nhị nào đó nên không tiện nói ra, vì trộm nghĩ: “hữu xạ tự nhiên hương”.
Riêng mình một phật tử hạ-căn-độn-trí, vẫn luôn tâm niệm: giới có giữ, tâm mới định, rồi huệ mới phát.
Thế cho nên, tôi trân trọng giới hạnh của vị Sư kia mà viết lời tán thán. Dĩ nhiên, thấy và viết theo cảm nhận chân thực của lòng mình! Nếu có nhận thức sai lầm, cũng vì thiện ý và hoan hỉ nhận nghiệp quả.
TỊNH VIÊN cư sĩ

No comments:

Post a Comment