8.10.16

Sống bằng hơi thở

Đọc SỐ TỨC QUAN trong bộ Chơn Lý của Tổ sư Minh Đăng Quang, người đọc có thể nhận thấy phương pháp thiền thở qua kinh nghiệm và cách nhìn của Tổ sư rất đặc biệt. Có nhiều đoạn Tổ sư nói về thiền thở của người đã có nhiều kinh nghiệm thực hành, người đọc cần phải đủ khả năng "đọc giữa hai dòng chữ" (reading between the lines) thì mới hiểu được. Ví dụ, "hít một hơi vô thật dài sau chót, và thở một hơi ra cuối cùng, rồi nín luôn tắt nghỉ, lặng tâm như sự đã chết" thì hiểu như thế nào đây? Tất nhiên, chúng ta phải đọc hết, đọc kỹ SỐ TỨC QUAN và phải thực hành thiền thở một cách nghiêm túc mới có thể hiểu được điều này.
Nếu bạn thật sự quan tâm đến thiền thở, mời bạn đọc kỹ Chơn Lý 53 SỐ TỨC QUANđây.  
Nếu bạn chưa đủ điều kiện để học và tập thiền thở, mời bạn thử đọc và suy nghiệm đoạn trích ngắn và đơn giản sau. Chúc bạn may mắn và hạnh phúc!

"Người ta có thể sống bằng hơi thở không khí tốt, trong sạch mát mẻ, gọi là ăn không khí, chẳng uống nước ăn trái, cũng như rùa cùng giống qui, nín mũi không thở hoài, vì chân lông cũng thở phụ thế cho được, nhưng rất yếu, ít hơi hơn, nên chỉ có kẻ không nói làm lo nghĩ, ngồi một chỗ luyện tập cho mau đắc định, thì mới dễ thật hành.
Về hơi thở, người ta luyện tập cách nào cũng được, cốt yếu là để tập định, nhưng lúc hành thì phải kinh nghiệm, xem chừng từ chút sự khác lạ, kẻo thái quá bất cập có điều trở ngại, tai hại cho thân thể, làm mất an vui tấn hóa. Người ta cũng có thể cần phải biết ra nhiều cách thở, để đặng thay đổi pháp hành tùy theo nhơn duyên trình độ, cho đặng thuận tiện tinh tấn. Hơi thở là một đề mục trong muôn ngàn đề mục thiền định, chớ chẳng phải một môn độc nhứt để đến thiền định. Nhưng phong tục ở xứ này, phần nhiều có học tiên gia, tu theo pháp hữu vi, chấp có hình thức, mau hiệu nghiệm, lại dễ làm cho lớp kém, nên ham thích hơn pháp vô vi tự nhiên, theo chơn lý vĩnh viễn thường bền của võ trụ nhà Phật; mà dầu sao cũng được, hãy cố gắng giác ngộ là quý báu, vì sự đi mau cũng có lắm khi đến chậm hơn người chẫm rãi bình thường mực giữa."

No comments:

Post a Comment