20.10.16

Thời gian và bước chân nữ sĩ

Ấn tượng từ một câu chuyện nhỏ

Đó là ấn tượng khó phai của những người phụ nữ rất đỗi bình thường về hình ảnh của một số nữ tu Phật giáo. Những người phụ nữ bình dị này chỉ mới chân ướt chân ráo đến cửa đạo mà đã không ngần ngại tổ chức một buổi nói chuyện về bốn người phụ nữ có ảnh hưởng lớn trong Phật giáo, ở Việt Nam cũng như trên thế giới. 
(Ảnh từ fb Huỳnh Huệ)

Những gì ấn tượng thường làm cho người ta phải bận tâm tả lại, hoặc chụp hoặc vẽ hoặc viết. Tiếc là ấn tượng có thể được giữ với thời gian, nhưng khó có thể tạo lại được. Phải viết. Phải vẽ. Có lẽ nhờ vậy mà thơ văn và hội họa mới có giá trị và chỗ đứng quan trọng trong cuộc sống.

Đến đây, tôi lại nhớ một câu chuyện nhỏ nữ họa sĩ Yahne La Toumelin(*) kể. Ngày nọ, bà vẽ một đường màu xanh trên một bức hoạ. Bà cảm thấy thật là tuyệt diệu. Cùng ngày đó, một vị bác sĩ đã nhìn thấy bức tranh, và ông mua ngay rồi mang bức tranh đi. Bà Yahne rất vui mừng vì đã bán được bức tranh. Ngày hôm sau, bà cũng vẽ một lằn màu xanh như thế, nhưng, bức tranh vẫn mãi còn đó vì bà không thể nào vẽ lại được cái lằn xanh của hôm trước nữa. 

Có thể đó là cái tuyệt diệu độc nhất của thiền. Nhưng với văn thì khác. 

Nhà văn Trang Thế Hy đã tự nhận rằng ông không ngại “lấy đầu heo cũ đã luộc rồi nấu cháo đầu heo mới” và bưng ra chợ văn mà “không dám mạnh miệng chào hàng”. Thế mà ông còn tự trào với mong cầu được nghe câu an ủi “Còn ăn được!” rất bao dung từ những người hưởng “nồi cháo đầu heo mới” của ông. 
Có thể đó là sức sống của văn và tính dễ thương của người cầm bút.
Viết một điều gì đó để có cái chia sẻ với mọi người, tôi không dám nghĩ “phục vụ chúng sanh là cúng dường chư Phật”, tôi chỉ vin vào hy vọng “còn ăn được” nên hâm lại món cũ mà thôi. Món đó là câu chuyện sau đây.

Từ những bước chân đâu tiên...

Ngày ấy, 20/10/2013, tại Phương Thảo Am, có mấy người tiên phong trong đạo tràng Thiền Quang BMT đã tổ chức một buổi tọa đàm, nói cho trịnh trọng một chút, về hành trạng của bốn nữ đạo sư: thiền sư Ayya Khema, thiền sư Dipa Ma, Khất sĩ Huỳnh Liên và Ni sư Thích Nữ Trí Hải.

Nhớ đến kỷ niệm này, có lẽ ai có mặt trong buổi nói chuyện hôm đó, cả nam lẫn nữ, đều cảm thấy khâm phục! Những người phụ nữ bình dị, không phải là giáo sư tiến sĩ gì cả, chưa tu luyện gì cả, mà dám bàn đến hành trạng của những bậc thầy khả kính. Phải chăng phong cảnh hoang sơ tại Phương Thảo Am đã truyền cảm hứng cho những người phụ nữ mới đến đây học tu có được tâm thái tự nhiên, tự tin... và tự tại đến thế? 

Phải nói rằng, nội dung buổi nói chuyện hôm ấy chưa sâu sắc và phong phú, nhưng không khí lại rất ấn tượng. Không người nào có mặt hôm ấy có thể phủ nhận điều này. Tại sao vậy? Người viết mấy dòng này chỉ là một thính giả hôm ấy, đã qua vài vòng thời gian quay của trái đất, mà vẫn nghe dư âm từ những bước chân đầu tiên của các “nữ sĩ” tìm đạo còn vang đâu đó.

Về hình thức, ấn tượng đầu tiên để lại cho người tham gia buổi nói chuyện là tính tiên phong của nó. Ở BMT, chưa bao giờ có một buổi nói chuyện, tọa đàm hay hội thảo nào về các vị thầy tâm linh phái nữ được tổ chức. Ở Việt Nam, với sự hỗ trợ của các cộng đoàn Phật tử nữ thế giới, đã có tổ chức một hội thảo về cộng đồng nữ tu, nữ sĩ Phật giáo tại TP. HCM. Nhưng tầm ảnh hưởng của hội thảo này vẫn chưa nhiều. Thế nên, một buổi nói chuyện về hành trạng của bốn vị thầy tâm linh lớn, dù có tính tài tử nhưng được tổ chức nghiêm túc, là bước tiên phong có ý nghĩa.

Tuy đó chỉ là một đóm lửa nhen lên trên góc rừng cao nguyên, buổi tọa đàm khởi điểm ấy đã để lại ảnh hưởng đáng ghi nhân. Những buổi nói chuyện tiếp theo tại Phương Thảo Am (biết đâu là tại một vài nơi khác nữa?) với sự tham gia của các vị thiện tri thức thân hữu xa gần là sự tiếp nối của dấu ấn đó. Đó là con số 1 khó quên. Lệ thường, từ con số 0 lên con số 1 khó lắm, chứ đã có con số 1 rồi thì số 2, 3 và nhiều hơn nữa cứ tuần tự nhi tiến. 

Về nội dung, trong khi còn nhiều người học Phật, nữ cũng như nam, chưa hề biết Ni sư Trí Hải là ai, Ni sư Huỳnh Liên là ai, chứ đừng nói chi đến thiền sư Ayya Khema và thiền sư Dipa Ma, thì việc giới thiệu sơ lược những bậc thầy khả kính này đến cho mọi người là một nỗ lực tiên phong đáng trân trọng rồi. 

Trong đời luôn có những nghịch lý. Có khi vật báu trong nhà mà được người ngoại cuộc nhận ra và trang trọng trao lại cho mình, như cách nói của Thái Kim Lan khi nói về Ni sư Trí Hải.(**)

Vậy nên, chỉ cần kể lại một chi tiết nhỏ trong cuộc đời bình dị của các vị, hay thuật lại một lời chia sẻ về con đường tâm linh của các vị là đã lợi ích nhiều cho người tham dự.

Nếu với rộng thêm chút nữa để thấy rằng, các vị thầy này là những kho tàng trí tuệ mà giới nữ Việt Nam và thế giới đang tìm về khám phá và chia sẻ, thì bước đầu tìm hiểu rất khiêm tốn này đã mang trong mình ý nghĩa tiên phong đáng quý. Nghiên cứu mới đây của Thái Kim Lan về hiện tượng luận tình yêu(**) qua cuộc đời và đóng góp của Ni sư Trí Hải (Phùng Khánh) gợi cho chúng ta suy nghĩ ấy.

...đến những thành quả không ngờ

Qua một vòng thời gian, trong những người có mặt trong buổi tọa đàm hôm ấy, có ai ngờ rằng họ đã từng bước trên những dấu chân của các nữ sĩ lừng danh, và vẫn như là “người về tìm dấu chân xưa, chiều nghiêng cỏ dại rừng thưa lá vàng.”

Nhờ một nguồn lực vô hình nào đó, có những người phụ như đang bị gục ngã trước bức bách của cơm áo gạo tiền, của danh tình quyền thế, lại có thể tìm lại niềm tin mãnh liệt trong và vào chính khả năng của mình.

"Meditation is love." - Dipa Ma

Có ai nghĩ rằng, có một người phụ nữ trẻ chưa bao giờ nói trước công chúng, có thể cầm micro dẫn chương trình cho một buổi nói chuyện về những nhân vật tầm vóc như Ni sư Trí Hải, Thiền sư Ayya Khema. Trong khi đó, trong cử tọa có không ít người là cử nhân, thạc sĩ, từng công tác tại các trường Cao Đẳng, Đại Học. Cái vụng về của một người liều như vậy không thể ít, đó là điều tất nhiên. Nhưng điều đáng nói ở đây là, người phụ nữ trẻ đã đủ can đảm để nhận nhiệm vụ và hoàn thành nhiệm vụ một cách vui vẻ, trong lòng mình và trong lòng người. Và đặc biệt, sau một lần dấn thân như vậy, được lắng nghe những câu chuyện về hành trạng của các vị thầy có nhiều kinh nghiệm trên con đường tỉnh thức, người nữ tập sự học Phật đã có niềm tin hơn vào con đường mà bậc Giác Ngộ đã dạy và vào khả năng tỉnh thức của mình. Vững hơn trong cuộc sống và gắn bó hơn với con đường giác ngộ là thành quả bước đầu mà người ấy gặt hái được từ một việc vừa làm vừa chơi như thế.

Có những nhà giáo, đã từng thất vọng sau bao phen tìm thầy học đạo ở nhiều cơ sở tôn giáo, lại tìm được niềm tin vốn có sẵn trong lòng mình khi có cơ hội được một lần đọc, nghe về hành trạng của các bậc thầy khả kính. Dù đó là đích đến của một chuỗi dài nỗ lực, thì cảm hứng hay giá đỡ giúp cho con người chạm được đích cũng mang nhiều ý nghĩa. Như vậy cũng là hiếm có, khó gặp.

Có những người đã từng bị lún sâu trong các nghi thức tôn giáo với niềm tin mãnh liệt chân thành vào sự cứu rỗi nào đó, có những người chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể rời chiếu lạy để đến xếp chân ngồi yên bên đức Phật và thử một phút làm Phật...., lại có thể bừng tỉnh khi vô tình nghe được một lời chia sẻ hết sức bình dị của một người bình dị nào đó.

Đó là trường hợp của những thành viên hiện tại trong Đạo tràng Thiền Quang BMT hiện nay.

Có người chưa từng ngồi thiền mà có thể ngồi xếp bằng liên tục 3 tiếng đồng hồ để nghe trao đổi về cuộc đời và đạo hạnh của các tu sĩ Phật giáo, và ngay sau đó, niềm đam mê học thiền, ngồi thiền, sống thiền đã bám rễ vào tâm thức và càng ngày càng phát triển. Ngộ thật, ấy là lần ngẫu nhiên. Âu cũng là duyên. Đó là trường hợp một người tiếp cận với thiền qua con đường tri thức. Khi đủ duyên, nguồn trí thức khô cứng kia được hòa với chất xúc tác thử nghiệm, nhanh chóng chuyển thành những trải nghiệm tâm linh quý báu mà những phút giây sống trọn vẹn trong tỉnh thức mang lại.

Có người không thể hẹn thêm ngày nào nữa, khi hình ảnh thanh thoát của các vị thầy tâm linh cứ hiện lên thôi thúc họ phải cất bước bước đi trên con đường cao rộng.

Thời gian đã chứng kiến những bước chuyển hóa ban đầu như thế. Rồi đây, bước chân tiếp nối bước chân và chúng ta có thể gọi những người phụ nữ có những bước chuyển hóa như thế là các nữ sĩ là không quá.

3 lần 365 ngày đã qua, đâu có ai ngờ những bước chân nữ sĩ thầm lặng đã tạo nguồn cảm hứng cho bao người quay về trong tỉnh thức.

Bổn cũ soạn lại,
SGK, 20/10/2014 - 20/10/2016

-----------
Chú thích:
(*) Yahne La Toumelin là nữ họa sĩ danh tiếng người Pháp, vợ của triết gia Jean-François Ricard, là mẹ của Matthieu Ricard. Matthieu Ricard sau trở thành một nhà sư Phật giáo, nổi tiếng với cuốn sách Le moine et le philosophe (The Monk and the Philosopher, Đối thoại giữa triết học và Phật giáo).

(**) Thái Kim Lan ví triết lý sống Phật giáo như một vật báu. Bà tự xem mình là người con Phật, người trong nhà. Triết lý đó được H. Hesse, một người ngoài, hiểu được và trình bày qua Câu chuyện dòng sông. Ni sư Trí Hải gặp được tác phẩm này, dịch và in, rồi tặng cho Thái Kim Lan. Duyên này khiến bà nhận ra “của báu trong nhà tìm kiếm mãi”. Xem Thái Kim Lan, Phùng Khánh và Phùng Thăng: lộ trình suy tư triết học - phác họa hiện tượng luận tình yêu, Tạp chí Sông Hương, Số 313, tr.3-15.

No comments:

Post a Comment