23.10.16

Totto-chan, Cô Bé Bên Cửa Sổ _ phần 2

2. CÔ BÉ BÊN CỬA SỔ

Mẹ lo lắng, vì mới tựu trường chưa được bao lâu, Totto-chan đã bị đuổi học. Bị đuổi ngay từ lớp một mới lạ chứ!

Sự việc mới xảy ra vào tuần trước thôi. Cô giáo chủ nhiệm lớp Totto-chan mời mẹ đến và đề cập thẳng vấn đề: “Con gái chị đã làm cả lớp không học được. Chị phải đưa cô bé đi học ở trường khác vậy.” Cô giáo trẻ xinh đẹp ấy thở dài: “Thật sự tôi hết phương cách rồi, chị ạ.”



Mẹ sửng sốt. Trời đất ơi, mẹ tự hỏi, không biết Totto-chan đã làm những gì mà cả lớp không học được?

Cô giáo chớp mắt lo lắng và đưa tay vuốt mái tóc ngắn cắt theo kiểu con trai của mình rồi bắt đầu giải thích: “Đầu tiên như thế này. Cô bé mở nắp bàn, rồi đóng nắp bàn của mình, hàng trăm lần như thế. Tôi đã bảo học sinh, chỉ được mở và đóng nắp bàn khi nào cần lấy cái gì hoặc cất cái gì vào trong hộc bàn thôi. Thế là cô bé con gái của chị cứ thế mà mở nắp bàn lấy đồ và cất đồ liên tục; khi thì vở, hộp bút chì, lúc thì sách và các thứ khác có trong hộc bàn của cô bé. Ví dụ khi tôi bảo, chúng ta chuẩn bị viết các chữ cái, thế là cô bé mở nắp bàn lên, lấy tập vở rồi thẳng tay đóng nắp bàn lại cái ầm. Liền đó, cô bé lại mở nắp bàn ra nữa. Lần này, cô bé như thể chui luôn đầu vào trong hộc bàn, lôi ra cây bút chì, rồi nhanh tay đóng nắp bàn lại. Xong, cô bé viết chữ ”A.” Nếu cô bé viết chữ nào xấu hay bị sai, thế là lại mở nắp bàn ra tiếp, lấy cục tẩy để xóa chữ ấy đi. Xong rồi, cô bé lại mở và đóng nắp bàn một lần nữa để cất cục tẩy. Cứ mỗi lần mở đóng nắp bàn cô bé luôn làm với hết tốc lực. Khi cô bé viết xong chữ “A” lại một lần nữa, cô bé mở nắp bàn ra để cất những thứ này vào lại trong hộc bàn. Mỗi lần mở là cất một thứ. Cứ như thế, cô bé mở nắp bàn để cất bút chì, xong rồi đóng lại, rồi lại mở ra để cất vở. Thế rồi, khi viết sang chữ cái khác, cô bé lại soạn tất cả dụng cụ ra y như lần đầu. Đầu tiên là tập vở, rồi đến bút chì, rồi đến cục tẩy. Cứ mỗi lần mở và đóng nắp bàn, cô bé chỉ lấy mỗi một thứ mà thôi. Nhìn cô bé làm mà tôi phát chóng mặt. Tôi không thể nào la rầy cô bé được; vì mỗi lần mở và đóng nắp bàn, cô bé đều có lý do cả.”

Đôi mi dài trên mắt cô cứ chớp nhanh như thể khung cảnh ấy đang sống dậy trong tâm tưởng cô.

Bất chợt mẹ hiểu ra tại sao Totto-chan mở và đóng nắp bàn liên tục như vậy. Mẹ nhớ lại ngày đầu tiên ở trường về, Totto-chan phấn khởi lắm. Cô bé nói: “Đi học ở trường thật là tuyệt vời. Cái bàn ở nhà mình có cái hộc để kéo ra kéo vào, nhưng bàn ở trường thì có cái nắp để mở ra và đậy lại. Nó giống như một cái hộp và mẹ có thể đựng bất cứ thứ gì trong đó. Thật là tuyệt!”

Người mẹ hình dung ra cảnh cô bé hí hửng thế nào khi mở và đóng cái nắp bàn mới này. Mẹ cũng không hề nghĩ đó là chuyện nghịch ngợm. Dù sao, Totto-chan có lẽ sẽ không làm như thế nữa khi những điều mới lạ qua đi cùng với thời gian. Những gì Mẹ có thể nói với cô giáo là: “Tôi sẽ nói với con tôi về việc này.”

Cô giáo cao giọng nói tiếp: “Tôi không phiền nếu cô bé chỉ làm có bấy nhiêu thôi.”

Người mẹ chùn lại khi cô giáo chồm về phía trước. Cô nói: “Khi nào cô bé không gây ồn với cái bàn học của mình, thì cô bé lại đứng dậy. Giờ học nào cũng vậy.”

Mẹ ngạc nhiên hỏi: “Đứng dậy à? Đứng ở đâu?”

Cô giáo gắt giọng trả lời gọn lỏn: “Ở cửa sổ.”

Người mẹ bối rối: “Mà tại sao cô bé lại đứng nơi cửa sổ chứ?”

“Để có thể mời mấy người hát rong vào,” cô giáo gần như hét lên.

Qua lời cô giáo, chúng ta hiểu được câu chuyện của cô bé Totto-chan. Sau một tiếng đồng hồ Totto-chan đóng mở nắp bàn, hầu như lúc nào cũng gây tiếng ồn, cô bé rời bàn học, đến đứng bên cửa sổ, nhìn ra ngoài. Lúc đó cô giáo nghĩ rằng, sau khi làm như vậy, Totto-chan sẽ trở lại ngồi yên trong lớp học. Nhưng bất chợt, Totto-chan gọi mấy người hát rong ăn mặc lòe loẹt đang đi ngoài đường ấy. Điều này, với Totto-chan là một niềm vui, trong khi đó lại là một nỗi khổ cho cô giáo, vì cả lớp học ở tầng trệt đều hướng ra ngoài đường. Chỉ có một hàng rào thấp ở giữa phòng học và đường phố, học sinh trong lớp học có thể dễ dàng nói chuyện với khách qua đường. Khi Totto-chan gọi mấy người hát rong này, họ liền đến bên cửa sổ.

Cô giáo kể tiếp, thế rồi Totto-chan la to cho cả lớp biết: “Họ đến rồi đây nè.” Tất cả học sinh ùa chạy lại vây quanh bên cửa sổ và bên ngoài là những người hát rong.

“Dạo một bản gì đi!” Totto-chan bảo họ. Và như thế, gánh hát nhỏ này, thay vì lặng lẽ đi ngang qua trường như mọi khi, giờ bắt đầu một màn trình diễn cho đám học sinh với sự hòa âm của cồng chiêng, trống và đàn ba dây samisen, trong khi cô giáo tội nghiệp không thể làm gì khác hơn là kiên nhẫn đợi chờ cho âm thanh náo động này ngừng lại.

Cuối cùng, khi tiếng nhạc dứt, những người hát rong ra đi và đám trẻ lại trở về chỗ cũ trong lớp học. Tất cả đều trở về vị trí của mình, trừ Totto-chan.

Khi cô giáo hỏi: “Em còn đứng ở cửa sổ làm gì nữa?” Totto-chan trả lời một cách nghiêm túc rằng: “Biết đâu lại có gánh hát rong khác đi qua. Và, dù sao đi nữa, nếu họ đi qua mà mình không mời được họ thì tiếc lắm.”

Cô giáo nói tiếp trong sự xúc động: “Chị có thấy tất cả những điều như thế làm ảnh hưởng đến lớp học như thế nào chưa?” Mẹ bắt đầu thông cảm với cô giáo thì cô giáo lại tiếp tục với một sự kiện khác với giọng như rít lên.

“Rồi thì,… bên cạnh đó…”

“Cô bé làm những gì nữa?” Mẹ hỏi, lòng chùng xuống.

“Cô bé làm gì nữa à?” cô giáo kêu lên: “Nếu tôi có thể đếm xuể những gì cô bé đã làm, tôi đã không yêu cầu chị đem cô bé đi trường khác làm gì đâu.”

Cô giáo lấy lại bình tĩnh một chút, rồi nhìn thẳng vào người mẹ. “Mới hôm qua đây, Totto-chan lại đứng nơi cửa sổ như thường lệ, còn tôi thì tiếp tục giảng bài và tôi nghĩ rằng cô bé đứng để đợi một gánh hát rong nào đó. Thình lình, tôi nghe cô bé hỏi: “Làm gì đó?” Tôi nào có thấy ai để cô bé nói chuyện đâu. Tôi phân vân không biết việc gì xảy ra nữa đây. Lập tức nghe cô bé hỏi nữa: “Làm gì đó?” Không phải cô bé đang hỏi người nào ở ngoài đường, mà dường như cô bé đang nói với ai đó ở phía trên kia. Tôi không nén được nỗi tò mò, cố lắng nghe lời đáp lại, nhưng không nghe gì cả. Thay vào đó, tôi chỉ nghe tiếng con gái của chị hỏi nữa: “Làm gì đó?” Thường trong những lúc như vậy, tôi không thể nào giảng bài tiếp được, và phải đến bên cửa sổ để nhìn xem con gái chị đang nói chuyện với ai. Khi trườn đầu ra cửa sổ quan sát, và nhìn lên, tôi thấy đó là một cặp chim én đang làm tổ dưới mái hiên lớp học. Cô bé đang nói chuyện với cặp chim én! Chị biết đó, tôi hiểu trẻ con mà, và do đó tôi không bảo rằng trò chuyện với chim én là nói nhảm. Có điều là tôi cảm thấy không cần thiết phải hỏi chim én làm gì khi đang ngồi trong lớp học!”

Mẹ chưa kịp mở lời xin lỗi, cô giáo đã nói tiếp: “Thế rồi đến giờ tập vẽ. Tôi bảo học sinh vẽ lá cờ tổ quốc nước Nhật, tất cả học sinh đều thực hiện theo như vậy, riêng con gái của chị thì vẽ lá cờ hải quân – chị biết rồi – lá cờ có nhiều tua đó. Tôi nghĩ cũng chẳng có gì sai. Cô bé bắt đầu vẽ một cái tua viền xung quanh. Một kiểu đường viền! Chị biết không, nó trông giống như những ngón tay trên lá cờ của đoàn thanh niên ấy.

Có thể cô bé đã nhìn thấy lá cờ như thế ở đâu đó. Nhưng khi tôi chưa kịp nhận ra cô bé đang làm gì, cô bé đã vẽ một cái viền màu vàng dài chạy ra ngoài tờ giấy vẽ và ăn lên trên mặt bàn luôn. Chị biết đó, lá cờ của cô bé chiếm gần hết tờ giấy rồi, thế là không còn đủ chỗ để vẽ các tua viền nữa. Cô bé lấy bút chì màu và vẽ cả hàng trăm vết ra ngoài tờ giấy và khi cô bé lấy tờ giấy vẽ đi rồi, những vết tỳ màu vàng ấy làm bẩn hết cả mặt bàn. Chúng tôi cố công cũng không thể nào tẩy hết đi được. May mắn là những đường vẽ này chỉ làm bẩn có ba bên thôi.”

Cảm thấy khó hiểu, mẹ nhanh miệng hỏi: “Cô nói ba bên thôi là sao, tôi không hiểu.”

Mặc dù cô giáo dường như đã mỏi mệt, vẫn tử tế giải thích thêm: “Cô bé vẽ cán cờ ở bên trái, do đó viền cờ chỉ có ở ba bên lá cờ thôi.” Có lẽ Mẹ đã hình dung rõ hơn, “Tôi hiểu rồi, chỉ có ba bên.”

Rồi thì cô giáo nói với giọng rất chậm rãi, nhấn mạnh từng tiếng một. “Nhưng hầu hết phần cán cờ bị kéo ra ngoài tờ giấy và bám trên bàn.”

Đến đây, cô giáo đứng dậy, như muốn bỏ đi và nói một cách lạng lùng: “Không chỉ một mình tôi chịu đựng, mà cô giáo dạy phòng bên cạnh cũng phải khổ lây.”

Rõ ràng là mẹ cần phải giải quyết vấn đề. Thật không công bằng cho những học sinh khác. Mẹ phải đi tìm một ngôi trường khác, một ngôi trường mà ở đó thầy cô có thể hiểu được cô con gái nhỏ của mình và có thể giúp cô bé sống hòa nhập với người khác.

Ngôi trường mà giờ đây hai mẹ con đang trên đường đến chính là ngôi trường mà mẹ đã tìm được sau khi hỏi thăm cẩn thận và chọn lựa kỹ càng.

Mẹ không nói cho Totto-chan biết cô bé đã bị đuổi học. Mẹ nghĩ rằng Totto-chan không thể hiểu được những điều cô bé làm là sai và mẹ không muốn cho cô bé phải có mặc cảm. Mẹ quyết định sẽ không nói cho Totto-chan biết, đến khi lớn lên, cô bé sẽ tự hiểu ra vấn đề.

Mẹ chỉ hỏi: “Đến trường mới học, con thích chứ? Mẹ nghe nói ngôi trường này tốt lắm.” Totto-chan đáp: “Thích mẹ ạ,” sau khi suy nghĩ một hồi, cô bé nói thêm: “nhưng mà….”

Mẹ tự hỏi: “Việc gì sẽ xảy ra nữa đây? Hay là cô bé đã biết rằng mình bị đuổi học?”

Một lát sau, Totto-chan hỏi với giọng vui vẻ: “Mẹ có nghĩ rằng những người hát rong sẽ đến ngôi trường mới này không mẹ?”
( còn tiếp...)

No comments:

Post a Comment