"chỉ có pháp là còn, mọi thứ đều vô thường"
Nhớ một kỷ niệm
So với các tôn giáo khác, đạo Phật có nhiều hình thức tu tập phong phú, ngồi tĩnh tâm một chỗ hay đi cùng với đời đều không xa thiền định. Việc chư Tăng trì bình khất thực bắt đầu từ thời Đức Phật, sau này nó đã trở thành truyền thống ở một số nước Đông Nam Á mà đạo Phật là quốc giáo. Nơi đây mỗi sáng chư Tăng ôm bình khất thực, người dân đón chư Tăng cúng dường là nét sinh hoạt, hình ảnh đẹp không thể thiếu trong đời sống. Riêng ở nước mình, nhất là người dân miền Tây Nam Bộ ký ức vẫn còn lưu giữ hình ảnh khất thực này. Năm 1940, ngài Minh Đăng Quang khởi đầu bước chân du hóa khai sáng nên hệ phái Khất sĩ. Tuy là ra đời muộn màng so với các hệ phái đã có từ thuở xưa nhưng có thể nói phái Khất sĩ phát triển nhanh vượt bậc, thu hút nhiều người.
Người lúc trước quen với mái chùa rêu phong cổ kính, giờ bắt đầu biết thêm các ngôi tịnh xá vách ván mái lá tròn hình bát giác giản dị đơn sơ, xung quanh là những cốc lá nhỏ dành cho ai muốn nhập thất tĩnh tâm. Và nhất là hình ảnh những vị sư trong màu áo cà sa vàng ôm bình bát đi chậm rãi từng bước chân nhẹ nhàng thanh thoát giữa cõi hồng trần. Các nhà sư đi tới đâu, cuộc sống ồn ào bon chen như lắng xuống, nhiều ánh mắt trông theo bước chân các sư vừa đi qua. Và nó đã trở thành nét văn hóa tôn giáo tín ngưỡng làm đẹp thêm cuộc sống, để lại kỷ niệm trong lòng người. Ngài Minh Đăng Quang được sinh ra cái mà người ta hay gọi là một thời (thời hoàng kim). Nó hội đủ nhân duyên để sinh ra những bộ óc lớn, tư tưởng hành vi lớn lôi cuốn xã hội. Lúc này Nam, Trung, Bắc diễn ra cuộc chấn hưng đạo Phật. Các vị Tổ sư, các hệ phái như Tịnh độ Cư sĩ, Khất sĩ lần lượt xuất hiện. Tôi sinh năm 1950, sinh sau đẻ muộn không được may mắn chứng kiến thời điểm lịch sử ấy, tuy nhiên nó vẫn chưa khép lại, mạch sống ngầm nó vẫn lan tỏa trong quần chúng. Tôi vẫn cảm nhận được dư âm nó qua sách vở, âm nhạc, thơ ca, sinh hoạt Gia đình Phật tử. Và được truyền tay đọc quyển Chơn Lý của ngài Minh Đăng Quang (cuốn Chơn Lý phổ biến rộng rãi ngày nay như ít được thấy). Tôi vẫn còn nhớ khi mình lên 8 tuổi. Nhà tôi nằm day mặt nhìn ra ngã ba sông rạch, cây cối xanh mát vây quanh. Một buổi trưa từ trong nhà nhìn ra thấy bốn vị sư ôm bình bát chầm chậm qua cây cầu sắt, rồi các vị dừng chân bên hiên nhà chia ra mỗi vị một gốc cây ngồi xuống thong thả, bình bát để trước mặt. Trong bình bát chỉ có mấy củ khoai và xôi, thấy vậy mẹ tôi nhanh lẹ vô nhà mang thức ăn ra. Mấy đứa trẻ lối xóm và tôi thấy lạ tò mò chạy theo coi vây quanh mấy vị sư - con nít đi chỗ khác chơi. Mẹ tôi la lên nên đám trẻ phải dạt ra đứng xa xa nhìn. Nhưng có một vị sư lại nhẹ nhàng hỏi mẹ - cháu có làm gì đâu sao dì lại rầy cháu. Rồi vị sư đưa tay ngoắt đám trẻ. Mấy đứa kia sợ sệt không dám, riêng tôi rụt rè bước tới đứng gần bên để nhìn. Vị sư hiền lành đưa tay nhẹ vuốt tóc tôi và hỏi tôi mấy tuổi, có siêng học, có hay bị mẹ la rầy. Tôi nhè nhẹ gật đầu thay cho câu trả lời, vị sư nhìn tôi dịu dàng - Con nhớ, tất cả là do lỗi của mình. Hồi ấy tôi còn nhỏ rất lấy làm tiếc không hỏi tên sư. Tuy nhiên năm chục năm về sau, đời có nhiều thứ để nhớ dần quên nhiều thứ khác nhưng lạ sao ký ức vẫn không quên bàn tay mềm mại của sư. Và câu nói, tất cả là do lỗi của mình - Nó trở thành châm ngôn cho tôi, mỗi khi làm chuyện gì tôi nghĩ đến nó trước khi bắt tay vô việc. Nó như một câu kinh, âu đó cũng là cái duyên lành tình cờ đem tới cho một đứa trẻ.
Người lúc trước quen với mái chùa rêu phong cổ kính, giờ bắt đầu biết thêm các ngôi tịnh xá vách ván mái lá tròn hình bát giác giản dị đơn sơ, xung quanh là những cốc lá nhỏ dành cho ai muốn nhập thất tĩnh tâm. Và nhất là hình ảnh những vị sư trong màu áo cà sa vàng ôm bình bát đi chậm rãi từng bước chân nhẹ nhàng thanh thoát giữa cõi hồng trần. Các nhà sư đi tới đâu, cuộc sống ồn ào bon chen như lắng xuống, nhiều ánh mắt trông theo bước chân các sư vừa đi qua. Và nó đã trở thành nét văn hóa tôn giáo tín ngưỡng làm đẹp thêm cuộc sống, để lại kỷ niệm trong lòng người. Ngài Minh Đăng Quang được sinh ra cái mà người ta hay gọi là một thời (thời hoàng kim). Nó hội đủ nhân duyên để sinh ra những bộ óc lớn, tư tưởng hành vi lớn lôi cuốn xã hội. Lúc này Nam, Trung, Bắc diễn ra cuộc chấn hưng đạo Phật. Các vị Tổ sư, các hệ phái như Tịnh độ Cư sĩ, Khất sĩ lần lượt xuất hiện. Tôi sinh năm 1950, sinh sau đẻ muộn không được may mắn chứng kiến thời điểm lịch sử ấy, tuy nhiên nó vẫn chưa khép lại, mạch sống ngầm nó vẫn lan tỏa trong quần chúng. Tôi vẫn cảm nhận được dư âm nó qua sách vở, âm nhạc, thơ ca, sinh hoạt Gia đình Phật tử. Và được truyền tay đọc quyển Chơn Lý của ngài Minh Đăng Quang (cuốn Chơn Lý phổ biến rộng rãi ngày nay như ít được thấy). Tôi vẫn còn nhớ khi mình lên 8 tuổi. Nhà tôi nằm day mặt nhìn ra ngã ba sông rạch, cây cối xanh mát vây quanh. Một buổi trưa từ trong nhà nhìn ra thấy bốn vị sư ôm bình bát chầm chậm qua cây cầu sắt, rồi các vị dừng chân bên hiên nhà chia ra mỗi vị một gốc cây ngồi xuống thong thả, bình bát để trước mặt. Trong bình bát chỉ có mấy củ khoai và xôi, thấy vậy mẹ tôi nhanh lẹ vô nhà mang thức ăn ra. Mấy đứa trẻ lối xóm và tôi thấy lạ tò mò chạy theo coi vây quanh mấy vị sư - con nít đi chỗ khác chơi. Mẹ tôi la lên nên đám trẻ phải dạt ra đứng xa xa nhìn. Nhưng có một vị sư lại nhẹ nhàng hỏi mẹ - cháu có làm gì đâu sao dì lại rầy cháu. Rồi vị sư đưa tay ngoắt đám trẻ. Mấy đứa kia sợ sệt không dám, riêng tôi rụt rè bước tới đứng gần bên để nhìn. Vị sư hiền lành đưa tay nhẹ vuốt tóc tôi và hỏi tôi mấy tuổi, có siêng học, có hay bị mẹ la rầy. Tôi nhè nhẹ gật đầu thay cho câu trả lời, vị sư nhìn tôi dịu dàng - Con nhớ, tất cả là do lỗi của mình. Hồi ấy tôi còn nhỏ rất lấy làm tiếc không hỏi tên sư. Tuy nhiên năm chục năm về sau, đời có nhiều thứ để nhớ dần quên nhiều thứ khác nhưng lạ sao ký ức vẫn không quên bàn tay mềm mại của sư. Và câu nói, tất cả là do lỗi của mình - Nó trở thành châm ngôn cho tôi, mỗi khi làm chuyện gì tôi nghĩ đến nó trước khi bắt tay vô việc. Nó như một câu kinh, âu đó cũng là cái duyên lành tình cờ đem tới cho một đứa trẻ.
Đâu là thành công của ngài Minh Đăng Quang?
Trở lại với Tổ sư Minh Đăng Quang và hệ phái Khất sĩ, qua hành trạng chúng ta mạn phép phân tích đâu là công lao sự nghiệp của ngài. Trước hết, như chúng ta đã biết, người tu sĩ muốn đạt đến cứu cánh, là cần phải dẹp bỏ lòng ngã mạn sân si, dẹp bỏ sự tự tôn, phân biệt vô minh v.v… Ngoài việc ngồi thiền tĩnh tâm, định sinh huệ, người tu sĩ còn có dịp tiếp xúc với đời để đối chiếu so sánh qua động thấy tịnh. Có nhiều cách nhưng cách thấy ngay hiệu quả để diệt trừ lòng ngã mạn coi mình cao hơn người là hạ mình xuống chấp nhận làm kẻ-ăn-xin-của-mọi-người. Trì bình khất thực một công thành hai việc. Cho mình đồng thời gián tiếp cho người có dịp tạo ra sự nghiệp phước đức. Qua việc cúng dường chư Tăng, tâm hồn người rộng mở dẫn đến việc quan tâm đến kẻ nghèo ở xung quanh. Người vui được đời này chắc chắn như kinh đã nói, còn vui thêm đời sau. Tuy nhiên sự thành công của ngài Minh Đăng Quang và các vị sư trong hệ phái Khất sĩ, lâu nay chưa được phân tích sâu rộng. Từ kỷ niệm thuở nhỏ cho phép tôi suy ra. Phải chăng bước chân du hóa khi đi trì bình khất thực còn là hình thức hoằng pháp, truyền giáo trực tiếp hiệu quả. Tại sao lại nói vậy. Thời gian như đã trả lời câu hỏi này. Thời gian cho phép ta đối chiếu, so sánh. Nếu như tín đồ các tôn giáo khác chỉ biết một vị giáo chủ, như đạo Hồi chẳng hạn, họ phải cầu nguyện sáng, trưa, chiều, thuộc kinh làu làu và gắn bó chặt chẽ với người lãnh đạo tinh thần. Đạo Phật ưu điểm hơn đặt trên sự tự do, dân chủ, tự giác và nhất là tùy duyên. Tự do lựa chọn một vị Phật thích hợp với hoàn cảnh làm sáng lên tâm Phật trong lòng từng người. Đạo Phật do không ràng buộc vào hình thức, tùy theo sự tự giác của cá nhân nên dẫn tới chuyện tín đồ như ít đi chùa chỉ có một số do có nhu cầu tâm linh hay gặp chuyện buồn phiền mới tìm đến chùa. Còn không vào ngày rằm như đến hẹn lại lên rủ nhau đến chùa để được ăn buổi chay, và coi mình như đã tu. Nói là mình theo đạo Phật nhưng rất chung chung, thậm chí lịch sử Đức Phật biết rất sơ sài, nói chi đến giáo lý cơ bản. Đạo Phật mạnh hay yếu, đi lên hay đi xuống, thật là khó trả lời dứt khoát câu hỏi này vì chùa chiền ngày nay mọc lên rất nhiều, kinh sách, băng đĩa in ra cũng rất nhiều. Qua đó ta thấy đạo Phật đang đi lên, tuy nhiên chỉ đi lên qua số người có chí tập tu, có trình độ. Đa số còn lại đứng trước rừng kinh sách thì rất mù mờ. Đạo Phật mạnh, mạnh theo kiểu bất chiến tự nhiên thành, tổ chức lỏng lẻo không chặt chẽ. Thử hỏi một tín đồ bên Cơ Đốc giáo tên tuổi Đức Giáo hoàng thì ai cũng biết. Nhưng khi hỏi tên Hòa thượng Pháp chủ đứng đầu Giáo hội thì người theo đạo Phật như không cần biết. Về phần nhà sư, quý vị trụ trì thì hầu như các vị quan hệ với tín đồ qua sự tùy duyên. Tùy duyên không có nghĩa là phó mặc. Là vô trụ mới tùy được chớ không trụ vào một chỗ xơ cứng. Mặc dù vẫn hiểu như vậy nhưng các nhà sư vì có thói quen, có thể do hùng tâm không được lớn nên nghĩ tới tiền đồ Phật giáo đâm ra ngại khó. Quý vị trở lại trụ vào tùy duyên, chùa có bao nhiêu tín đồ như không quan tâm. Sự thật cũng có chùa mở ra các buổi thuyết pháp, khóa tu Bát quan trai nhưng công việc ấy vẫn còn quá ít, chưa đủ. Người giáo viên khi làm công tác xóa mù chữ đến từng nhà vận động học sinh, nên lẽ ra với việc hoằng pháp các vị phải tích cực năng động. Như vậy, ưu điểm của Phật giáo chính vì thế trở thành nhược điểm rơi vào trong trầm lắng. Phật dạy biết bao nhiêu điều như chỉ còn thu gọn lại trong "Tâm tức Phật, Phật tức tâm". Cuộc sống thực dụng vật chất bon chen, cả năm chẳng đi chùa cũng không sao, dần dần viên ngọc Phật tính trong người bị lu mờ. Giống như con sông không được nạo vét dần bị bùn lấp chìm. Người quên dần mình là ai. Người tiếp tục nhắm mắt đưa chân mặc cho số phận đưa đẩy chơi vơi trong biển khổ trần ai, chẳng biết lúc nào dừng lại. Số lượng người theo đạo Phật mặc dù chưa biết chính xác nhưng biết là rất đông so với các tôn giáo khác, tuy nhiên thực trạng đời sống đạo Phật có phải như vậy. Tình cờ một buổi sáng trên đường phố ồn ào, chen chúc, ai cũng phải nhanh tay lên mưu sinh bận rộn, ai chậm tay là thua. Bỗng dưng phố phường vụt sáng lên, người như ngừng tay để nhìn từ xa một đoàn các nhà sư ôm bình bát khoan thai từng bước chậm rãi đang đi tới. Màu áo vàng kia và gương mặt thanh thoát của các nhà sư như có phép mầu làm cho mọi người đưa mắt trông theo. Và nó làm người nhớ ra đời sống tâm linh bấy lâu mình lãng quên. Qua màu áo cà sa sáng lên ánh đạo vàng. Tâm linh một số người như được đánh thức, đi đến bên các nhà sư xin phép cúng dường. Nhà sư nhân dịp tùy duyên trao đổi với thí chủ kia một đôi câu, để rồi đôi bên gần gũi nhau tạo ra mối duyên lành. Đến đây chúng ta chắc là thấy rõ vì sao ngài Minh Đăng Quang chỉ trong thời gian rất ngắn thu hút nhiều người tu tập. Bước chân du hóa hoằng pháp của ngài đi tới đâu nơi ấy khởi sắc, đạo tràng tịnh xá mọc lên. Ngày xưa Đức Phật cùng chư Tăng cũng đi từ kinh thành này qua kinh thành kia, chớ đâu có ngồi một chỗ.
Hệ phái Khất sĩ ngày nay
Rõ ràng đời sống tâm linh của xã hội lúc phái Khất sĩ hình thành thiếu sự định hướng. Do ưu điểm cũng là nhược điểm sinh hoạt đạo Phật trầm lắng. Ngài Minh Đăng Quang xuất hiện mở ra lối đi cho mình tu tập và cùng cho người nên tạo ra hiệu ứng tốt được xã hội cộng hưởng. Từ thành thị đến nông thôn, trên các ngả đường ta dần quen thuộc hình ảnh các nhà sư ôm bình bát bước đi thanh thản. Không biết từ lúc nào hình ảnh góp phần cho cuộc sống được đẹp hơn lại dần thưa vắng, sau giải phóng thì nó mất hẳn. Hệ phái Khất sĩ dường như đã dừng chuyện trì bình khất thực, lối đi mà ngài Minh Đăng Quang đã mở ra tạo nên tiếng tăm cho hệ phái. Ngày xưa Khất sĩ sau khi đi du hóa trở về với ngôi tịnh xá đơn sơ vách ván, mái lá. Ngôi tịnh xá như nói lên sau cùng chỉ có pháp là còn, mọi thứ đều vô thường phù hợp với cuộc đời của người Khất sĩ. Ngày nay các ngôi tịnh xá, theo cái nhìn của tôi, là những công trình kiến trúc như để phân biệt hệ phái Khất sĩ với các hệ phái khác mà thôi, nếu không thì tịnh xá chẳng khác gì ngôi chùa. Ta thấy rõ hệ phái Khất sĩ từ từ thay đổi theo thời gian, chưa biết sẽ còn thay đổi đến đâu. Gần đây lại thấy mọc ra mấy công trình quy mô bảng ghi là tịnh thất. Tín đồ ngơ ngác không biết thế nào là tịnh thất với tịnh xá.
Về tệ nạn sư giả
Có nhiều nguyên nhân để các đoàn du tăng dừng bước chân hoằng pháp. Trong các nguyên nhân không biết hệ phái có thấy, vì tệ nạn sư giả mà bỏ đi truyền thống trì bình khất thực khiến rất nhiều người không đồng tình. Lý do xã hội chưa bao giờ đạo đức xuống cấp như ngày nay, hình ảnh các Tăng Ni với màu áo vàng ánh đạo đi qua các ngả đường phố để hoằng pháp rất là cần hơn bao giờ hết. Vừa qua trên 2 số báo Giác Ngộ 579 và 580 tưởng niệm 57 năm ngài Minh Đăng Quang vắng bóng, có bài nói qua tệ nạn sư giả. Có hai ý kiến của Giác Chân và Thanh Phong yêu cầu Giáo hội cần mạnh tay có biện pháp trước tệ nạn này. Qua hai ý kiến cho thấy hai bạn không đồng tình với Giáo hội. Tôi cũng thuộc về số không đồng tình, cảm thấy Giáo hội sao quá thụ động hiền lành. Lý do tệ nạn sư giả mặc dù gây ra dư luận không tốt nhưng mức độ tác hại của nó lớn như thế nào mà để cho các sư phải dừng bước chân du hóa thì chẳng có ai cân đo xem xét cho tận tường. Thật với giả đôi khi khó lường nhưng rồi xã hội vẫn phân biệt được đâu là giả. Thật là thiện, là Bồ tát. Giả là xằng bậy, là ma quỷ. Chẳng lẽ cái thật lại thua, lùi bước trước ma quỷ. Rất nhiều người mong mỏi được thấy lại hình ảnh đoàn các nhà sư đi trì bình khất thực. Để đẩy lùi nạn sư giả không ai khác chính là Giáo hội, các tịnh xá như là cơ quan thường xuyên thông báo cho bổn giáo biết. Các nhà sư đi khất thực theo giờ giấc nào, đi theo đoàn 5 vị trở lên chớ không đi lẻ tẻ và trên ngực có đeo phù hiệu. Thêm hai việc nhỏ nhưng cũng là chuyện cần phải bàn. Gặp trường hợp người bỏ tiền vào trong bình bát, sư có quyền nhận hay khuyên người mang đến chùa. Các nhà sư theo giới luật chỉ ăn vào giờ ngọ. Đôi khi bình bát của sư chỉ có khoai hoặc chuối. Người nước ta chưa quen chuẩn bị thức ăn cúng dường, dần dần người sẽ quen. Do đó nhiều vị sư bị đói. Theo tôi nghĩ, sư nào đói có thể trở về tịnh xá dùng cơm thêm, chớ không nên cứng nhắc trong việc này. Xưa kia các chú tiểu theo luật phải ăn sau các vị Tỳ kheo. Các chú tiểu còn đang sức ăn nên thường bị đói. Đức Phật thấy vậy sửa lại luật cho phép các chú được ăn chung, chứng tỏ Phật cũng uyển chuyển. Tóm lại, trong bối cảnh xã hội hiện nay, đạo Phật cần người hoằng pháp, ánh đạo vàng được gieo nhiều hình thức phong phú, bước chân đoàn du tăng qua các ngả đường đáp ứng được vai trò này. Tại sao một truyền thống đã có từ hai ngàn rưỡi năm, vì lý do nhỏ nhặt là nạn sư giả ta lại bỏ nó đi.
Ngô Khắc Tài
Nguồn: Giác Ngộ online
No comments:
Post a Comment