26.11.16

Nhớ, tưởng và quán

Từ sau khóa thiền cuối năm 2013 tại Phương Thảo Am, các bạn mới học thiền mạnh dạn chia sẻ kinh nghiệm của mình mà không ngại đúng sai. Tốt cũng chia sẻ mà xấu cũng chia sẻ. Tốt chia sẻ để người khác biết và có thể thử nếu thích. Xấu chia sẻ để người khác biết và tránh nếu không muốn phí sức phí thời gian. Từ đó, những bạn đến Phương Thảo Am tập thiền cởi mở hơn trong chia sẻ. Chúng tôi gọi những điều được chia sẻ đó là kinh nghiệm thiền tài tử. Chúng tôi tạm gọi là “tài tử” với nghĩa là những kinh nghiệm nghiệp dư của những người thích thì tập thử chơi chứ chưa biết mô tê gì về thiền đạo hay Phật đạo cả. Đó là những kinh nghiệm abc về thiền. Và cũng như các bạn, những gì chúng tôi chia sẻ với các bạn cũng chỉ là kinh nghiệm thực tập của người mới bắt đầu mà thôi. Những kinh nghiệm đó cũng là những kinh nghiệm nghiệp dư vậy. Với tinh thần đó, chúng tôi chia sẻ với các bạn nội dung trao đổi của Phật tử Ngọc Thủy Hoàng Thị Quang, chuyên viên xét nghiệm, nguyên giảng viên trường đại học Tây Nguyên, và Sư Giác Kiến, người chăm sóc vườn thiền Phương Thảo Am, Buôn Ma Thuột, cùng sự có mặt của nhiều học viên trong buổi học thiền tại Phương Thảo Am ngày 5/4/2014 vừa qua. Chúng tôi xin cảm ơn sư Giác Kiến, anh Duy Thịnh, cô Huỳnh Huệ, cô Hoàng Quang đã dành thời gian ghi lại âm thanh, hình ảnh, phiên tả, đọc lại, hiệu chỉnh và cho phép chia sẻ nội dung này. 
~~~~~~~~~~~~~~~
Nhớ, tưởng và quán

Phật tử Hoàng Thị Quang tại Phương Thảo Am, ảnh Huỳnh Huệ 
Hỏi: Sống, có muôn điều cần suy nghĩ. Khi ngồi tu thiền, tâm tĩnh lặng, con suy nghĩ tốt hơn. Vậy con có thể suy nghĩ trong khi ngồi thiền không ạ?

Đáp: Trong quá trình thực hành thiền, các luồng tư tưởng thường kéo đến làm cho mình phải suy nghĩ theo. Đặc biệt, những luồng tư tưởng mạnh thường đến và buộc mình phải suy nghĩ. Có đúng vậy không?
Khi tu thiền, chúng ta ngồi để suy nghĩ thì không ổn. Mà chúng ta chỉ ngồi và để tâm trống rỗng, không nghĩ gì hết, như vậy cũng không ổn. Nếu chúng ta ngồi chỉ để tâm trống rỗng thì đó không phải là pháp thiền của Phật giáo. Nếu ngồi để suy nghĩ thì đó cũng không đúng với con đường thiền mà đức Phật dạy.
Phần đông chúng ta thường rơi vào trường hợp thứ hai này. Tức là chúng ta ngồi để suy nghĩ và chúng ta gọi là tư duy, là quán chiếu. Có lẽ khái niệm “tư duy tu” hoặc “suy nghĩ trong sự tĩnh lặng” xuất phát từ cách hiểu từ “quán” trong Phật giáo như vậy, và chúng ta gọi thực hành như vậy là thực hành thiền quán.
Trong tiếng Việt, từ “quán” thường đi đôi với từ “tưởng”, trong cụm từ “quán tưởng”. Do sự gắn liền đó, trong từ ngữ cũng như trong thực tế, nên chúng ta khó phân biệt thế nào là quán và thế nào là tưởng. Đó là điều mà chúng ta cần lưu ý. Lại nữa, nếu chúng ta thực hành thiền như đức Phật dạy, thì chúng ta ngồi lại, “an trú chánh niệm trước mặt”, chánh niệm, thở vô, chánh niệm, thở ra. Ở đây, chúng ta chưa vội định nghĩa chánh niệm chính xác là gì, mà chỉ hiểu đơn giản chánh niệm là nhớ nghĩ về đối tượng mà chúng ta chọn như là một đề mục thiền định. Niệm là nhớ nghĩ về, để ý đến, chú ý đến, chứ không phải là tưởng về, tưởng ra. Có một cụm từ mà Nguyễn Du dùng, sau này trong nhà thiền cũng hay nhắc đến rất hay, đó là “nhớ ít tưởng nhiều”. Nghĩ về điều gì đó, thường thường chúng ta nhớ thì ít, mà chúng ta tưởng ra thì nhiều. Vậy nên, chúng ta đừng đánh đồng nhớ, tưởng và quán với nhau.

Hỏi: Khi ngồi thiền những ý tưởng liên tục kéo đến là điều khó tránh khỏi. Vậy chúng ta nên làm gì với những ý tưởng đó?

Đáp: Trong quá trình tu thiền, chúng ta không nên ngồi và suy nghĩ nhiều. Nhất là những người có óc tư duy logic tốt, thường bị rơi vào trường hợp này - ngồi suy nghĩ nhiều. Khi chúng ta ngồi, chúng ta suy nghĩ nhiều như vậy, thì đầu óc có thể trở nên sắc bén hơn và chúng ta ngộ ra nhiều điều mới. Nhờ đó chúng ta có thể lý luận rất hay và thuyết giảng hay về vấn đề này hay vấn đề kia, nhưng đó là một chướng ngại trong thực hành thiền, vì tâm thiền của chúng ta không phát triển. Thực hành như vậy không đưa đến trí tuệ thấy được sự thật về vô thường vô ngã, không đoạn được những lậu hoặc trong tâm mình. Có thể tư duy vẫn phát triển tốt, nhưng phiền não trong tâm không chuyển hoá được.
Vì vậy, ngồi tu thiền mà ngồi để tư duy, để suy nghĩ thì nên hạn chế.

Hỏi: Nhưng hạn chế bằng cách nào?
Đáp: Chúng ta nên ấn định thời gian, thời gian nào tu thiền thì tu thiền, thời gian nào suy tư để giải quyết công việc thì suy tư để giải quyết công việc. Chúng ta có thể tập theo cách Tổ sư Minh Đăng Quang dạy trong Chơn lý. Khi ngồi thực hành thiền, chúng ta nên bắt đầu bằng cách giữ tầm mắt đứng lại rồi từ từ hãy nhắm lại. Nếu khi ta ngồi mà nhắm mắt lại liền, thì những luồng suy nghĩ sẽ dễ tiếp tục diễn ra, nhiều và nhanh, và chúng ta dễ bị cuốn theo những suy nghĩ đó.

Sư Giác Kiến, Ảnh Huỳnh Huệ
Vậy nên, khi bắt đầu thời ngồi thiền, chúng ta ngồi, điều chỉnh thân cho ngay ngắn. Đừng vội nhắm mắt sớm. Trước hết hãy ý thức rõ về môi trường xung quanh để bắt đầu phát triển độ tỉnh giác của mình. Sau đó từ từ thu vùng ý thức lại, ý thức rõ về thân về tâm. Thân mình ngồi đây, đưa tâm về với thân ngay đây. Có thể nhắc nhở tâm mình: thân ở đây thì tâm ở đây, giờ nào việc đó, thân đâu tâm đó. Mình phải tập ý thức rõ từng cử chỉ và cảm giác của mình. Bấy giờ mới nhiếp tâm trụ tâm trên hơi thở, ghi nhận hơi thở ra vào và từ từ rút ngắn tầm mắt lại, và mới nhắm mắt lại.
Khi nhắm mắt lại rồi là không làm gì hết, chỉ trụ tâm trên hơi thở, ghi nhận hơi thở vào ra. Khi đó suy tưởng bắt đầu kéo đến, thì những tư tưởng đó, nói rốt ráo, thì đều là bất thiện pháp. Chúng ta cần lưu ý là ta thường không phân biệt được đâu là thiện và đâu là bất thiện. Nên tốt hơn hết, khi mới bắt đầu tập ngồi thiền, một khi đã ngồi xuống rồi, thì không nên để ý tưởng nào khởi lên. Nếu có ý tưởng nào khởi lên, nghĩa là tâm đang theo đuổi ý tưởng ấy, thì hãy tỉnh thức, không để tâm duyên theo các ý tưởng đó nữa. Đem tâm về trụ nơi hởi thở. Đó là điều cần làm. Thực tế, khi chúng ta ý thức được tâm đi rông, thì tâm sẽ dễ rời ý tưởng và trở về với hơi thở. Cứ trụ tâm như vậy cho tròn một thời ngồi.

Hỏi: Nhưng những tư tưởng kia cứ kéo đến nữa thì sao?

Đáp: Vâng, nói như thế không có nghĩa là khi ngồi thiền, những tư tưởng kia không đến nữa.
Điều khác nhau ở đây là ta bắt đầu có thái độ đối với những vọng tưởng nảy sinh một cách rạch ròi. Trước khi chúng ta thực hành như vừa hướng dẫn, thì chúng ta cứ sa đà với những vọng tưởng đó và chúng ta cho rằng đó là điều cho phép, đó là điều có thể được, hay thậm chí chúng ta nghĩ đó là điều nên làm trong quá trình tu thiền. Còn bây giờ thái độ của chúng ta đã khác. Khi tu thiền là phải trụ tâm trên đề mục đã chọn. Còn vọng tưởng nảy sinh là điều hết sức bình thường. Vọng tưởng là vọng tưởng, dù vọng tưởng đó đẹp hay không đẹp, tất cả đều là bất thiện pháp khi nó xen vào tâm mình không cho tâm mình trụ trên đề mục. Chúng ta phải có một thái độ rõ ràng như thế.
Chúng ta càng tập trung tỉnh thức trên đề mục thuần thục bao nhiêu thì chúng ta càng đẩy lùi vọng tưởng bấy nhiêu.

Hỏi: Chúng ta thực hành như thế là để làm gì?

Đáp: Có mục đích rõ ràng. Một là phát triển sự tập trung của tâm, tập trung trên đối tượng đã chọn. Yếu tố này trong nhà Phật gọi là định, là tâm lực. Đồng thời, chúng ta thực hành để phát triển yếu tố thứ hai, yếu tố này mới là yếu tố quan trọng trong nhà Phật. Đó là phát triển tuệ, phát triển tâm tỉnh thức. Đó là trí tuệ thấy đúng như thật. Nhưng ban đầu yếu tố này rất là yếu.
Ở cấp độ căn bản ban đầu, trí tuệ đó là tỉnh thức, là ý thức trên đối tượng mà mình tập trung, ở đây là hơi thở. Chúng ta đã gom tâm trên hơi thở. Và bây giờ chúng ta ý thức rõ hơi thở khi nó ra vào. Có hơi thở vào mình biết có hơi thở vào. Có hơi thở ra mình biết có hơi thở ra. Có hơi thở mạnh mình biết hơi thở mạnh. Có hơi thở nhẹ mình biết có hơi thở nhẹ. Biết đúng như nó là. Như vậy là tâm có định và tỉnh. Và khi mình phát triển hai yếu tố này thì những suy tưởng kia sẽ không xen vào được, mà có xen vào đi nữa thì mình biết là nó xen vào. Khi sự tỉnh thức của mình cao, thì mình biết rõ sự vật hiện tượng đúng như nó là. Khi đó mình mới thấy, biết theo cho kịp chính là biết đúng như thật, đúng như nó là. Đó là chất liệu của quán. Còn cái luồng suy nghĩ xen vào chính là tưởng. Đây là chỗ mà người thực hành thiền như chúng ta ít lưu tâm phân biệt, nên không phân biệt được giữa tưởng và quán.

Hỏi: Vậy là ngồi thiền thì không được tưởng?

Đáp: Khi chúng ta không thực hành, thì giải thích lý thuyết thôi, chúng ta không phân biệt được đâu. Khi chúng ta thực hành rồi, chúng ta mới biết đâu là quán, đâu là tưởng. Có thể chúng ta tu thiền bốn năm chục năm mà chỉ có tưởng không thôi chứ không có quán gì hết.
Vậy nên chúng ta nên bắt đầu ngay từ đầu, ngay từ đầu mà chuẩn rồi, thì sau dễ thực hành. Như học tiếng Anh, từ đầu mà phát âm chuẩn, sau dễ tiến. Ban đầu mà phát âm sai, sau khó sửa ghê lắm. Thực hành thiền cũng thế, ngay từ đầu, tập cho chuẩn, thà chậm mà chuẩn.
Không phải mình ngồi mình suy nghĩ là sai; suy nghĩ là được, vì bây giờ có không cho nghĩ, nó cũng nghĩ. Vấn đề là thái độ của mình với những suy nghĩ đó, thái độ ứng xử với những vọng tưởng đó như thế nào, để mình phát triển tâm thiền.
Còn khi chúng ta ngồi thiền mà suy nghĩ để phát triển tri thức và hiểu biết, thì tri thức và hiểu biết đó cũng cần để xử lý sự việc trong cuộc sống hiện tại của mình. Nhưng thực hành như thế thì tâm thiền không phát triển, mà chỉ có tri thức tri kiến phát triển thôi. Tri thức tri kiến thì cần đó, nhưng mà đến một lúc nào đó, chúng ta phải giải trừ nó, gọi là “giải trừ tri kiến”, vì đến với nhà Phật là phải đi đến trí tuệ, đến tuệ giác.

Hỏi: Có thể nói thêm về tưởng và quán?

Xin thưa là nói gì cũng có tính gợi ý mà thôi. Tưởng là quá trình hoạt động của tâm thức trong đó có sự tham dự của ý nghĩ, của ý tưởng, của suy nghĩ. Mà thường thì suy nghĩ đó hoạt động trên nền của ba cái gốc của tâm. Ba gốc đó là tham, sân và si, gọi là tam độc, trừ trường hợp của người đã chứng quả thánh. Hễ tưởng hoạt động trên nền tam độc đó, thì quả của nó sẽ là khổ đau. Chắc chắn là như thế. Đó là tưởng.

Còn quán là gì? Trước hết, có thể hiểu quán không có sự can thiệp của quá trình tư duy nhị nguyên, đặt trên nền của tham sân và si. Quán bắt đầu bằng sự nhận biết đơn thuần, sự nhận biết đúng như thật, nhận biết sự vật hiện tượng đúng như nó là. Nó là nó. Cho nên thực hành quán buộc mình phải sống trong giây phút hiện tại. Với tưởng, thì tưởng kéo mình phải sống trong quá khứ và tương lai. Với quán, thì quán đứng chân ngay trong giây phút hiện tại và biết sự vật hiện tượng ngay trong tích tắc hiện tại thôi. Trước một phút nó đã khác và sau một phút nó cũng sẽ khác. Cho nên mình chỉ tập nhận biết sự vật hiện tượng trong hiện tại đúng như nó là. Ví dụ có hơi thở vào mình biết có hơi thở vào. Có hơi thở ra mình biết có hơi thở ra. Hơi thở này vừa được thở ra, thì hơi thở vào được hít vào, khi đó hơi thở ra đã chết rồi. Lúc này, chúng ta không nghĩ gì về hơi thở ra kia nữa. Chỉ biết đúng như nó là và không có sự can thiệp của tư duy.

Dĩ nhiên là quán ở đây cũng đi qua tiến trình hoạt động của 6 căn. Tức là ở đây sự nhận biết diễn ra khi có làn không khí tác động lên làn da trên thân, tức là có cảnh tiếp xúc với căn, tác động vào căn, sinh ra thức. Thức đó là cái biết. Nhưng cái biết đây là biết trực tiếp, là cái biết rất hồn nhiên, là cái biết không có sự can thiệp của luồng tư tưởng nào về quá khứ, cũng không có sự dự phần của ý nghĩ nào về tương lai. Đó là cái biết đúng như thật. Ở đây dĩ nhiên sẽ có cảm giác dễ chịu hay khó chịu, nhưng mình cũng không thích cái cảm giác dễ chịu hay khó chịu. Mình chỉ biết nó là nó thôi. Và đó chính là tiến trình của quán.
Với tưởng thì chắc chắn có sự xen tạp bởi rất nhiều vấn đề. Trong đó có cái thích và không thích, muốn và không muốn, có sự chọn lựa này kia. Còn với quán thì chỉ có sự phát triển tỉnh thức một cách rõ ràng, biết sự vật hiện tượng đúng như nó là. Và từ đó, cái tuệ, tuệ quán phát sinh một cách tự nhiên.
Giờ mà chúng ta nói về tuệ là giống như chúng ta ăn bánh vẽ. Tuy nhiên, bất đắc dĩ cũng phải nói. Giống như muốn đúc cái chén, trước phải hình dung ra cái chén. Tuệ là sự sáng suốt biết rõ thực tướng của các pháp đúng như nó là. Tuệ phát sinh trong tâm thức khi không gian tâm thức được rộng mở. Tuệ đó là điều mà chúng ta hướng đến, chứ không phải là cái hiểu biết dựa trên tư duy. Cái hiểu biết dựa trên tư duy là tri kiến, mà cái tri kiến này thì cần phải giải trừ. Còn tuệ không phải là cái phải giải trừ.
Chúng ta cũng không nên lý luận nhiều để phân biệt, để biết thế nào là quán thế nào là tưởng. Chúng ta chỉ cần biết lời dạy của đức Phật về quán như thế nào để mình thực hành, và chỉ có sự thực hành của mình rồi thì mới biết thế nào là quán thế nào là tưởng.
Cái học dựa trên sự thực hành, cái học đó mới là thực học. Vậy chúng ta rất nên học theo lời của Tổ sư Minh Đăng Quang dạy, thà học ít, mà học qua “sự thực hành kinh nghiệm, vừa làm vừa ăn, vừa đi vừa tới, từng bước một mà được yên vui trong tâm mỗi lúc”.

Ảnh Huỳnh Huệ (ngồi đầu hàng từ trái qua) chụp tại Phương Thảo Am năm 2013 
Duy Thịnh ghi