22.11.16

Một kỉ niệm nhỏ về Trưởng lão Giác Dũng

PTA: Từ ngày 16/3/2014 đến ngày 23/3/2014, những người học trò sơ cơ của Trưởng lão Giác Dũng đã về tại Phương Thảo Am để cùng tập tu 7 ngày tưởng nhớ Thầy sau 1 năm Thầy viên tịch. Vào chiều ngày cuối cùng của khóa tu, 23/3/2014, được sự đồng ý và hỗ trợ của Sư Giác Kiến, cô Nguyên Hoa cùng với quý Phật tử đạo tràng Thiền Quang Buôn Ma Thuột đã tổ chức buổi nói chuyện thân mật với nội dung Trưởng lão Giác Dũng: Những điều chưa biết về một bậc thầy khả kính.
Về tham dự buổi nói chuyện này có quý Phật tử đã từng gần gũi học đạo với Trưởng lão Giác Dũng, cùng với nhiều thân hữu Thiền Quang trong thành phố Buôn Ma Thuột và các huyện trong tỉnh Đăk Lăk. Cùng về tham dự còn có quý Phật tử từ Tp. Nha Trang, Tp. Hồ Chí Minh. Với lòng kính quý Trưởng lão, quý Phật tử ở xa cũng về tham dự đã làm cho buổi nói chuyện trở nên ấm áp hơn. 
Đặc biệt, sự hiện diện của bác lão thành cách mạng Nguyễn Hữu Tân, một người bạn đồng hương của Trưởng lão, thầy Hà Ngọc Đào, nguyên Giám đốc sở Giáo dục Đăk lăk đã từng làm việc cùng Trưởng lão trong nhiều hoạt động xã hội, chú Lê Văn Bình, Trưởng phòng Thống kê Tội phạm và Công Nghệ Thông Tin, Viện Kiểm sát Nhân dân Tỉnh Đăk Lăk, một trong số ít người được Trưởng lão trực tiếp hướng dẫn thực hành thiền, chú Thiện Bản, người đồng bào được Trưởng lão dìu dắt vào đạo, cô Huệ Mẫn, người có duyên được biết Trưởng lão từ hơn 30 năm về trước, thầy Lê Ngọc Tấn, anh Bùi Đức Hào, anh Tống Ngọc Dũng, với những lời thuật chân chất đượm tình đã làm cho buổi nói chuyện như một kỷ niệm nhỏ thành một buổi tọa đàm có ý nghĩa lớn. 
Trong buổi nói chuyện, còn nhiều người muốn chia sẻ nữa, nhưng thời gian có hạn. Sau buổi nói chuyện, rất nhiều điều về Trưởng lão cần được ghi chép lại, nhưng việc này cần nhiều thời gian và công sức. Những dòng dưới đây là ghi chép của cô Nguyên Hoa, người đứng ra tổ chức buổi nói chuyện giàu ý nghĩa này. Xin chia sẻ cùng các bạn. Lời quê đượm tình. Có lỗi gì, mong các bạn bỏ qua cho. 
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
Một kỉ niệm nhỏ về Trưởng lão Giác Dũng
Trưởng lão Giác Dũng
Một buổi chiều cuối xuân, trời bỗng đổ cơn mưa đầu mùa, xoa dịu cái nắng chói chang, oi ả của hè vừa ngấp nghé. Ở một góc rừng vắng vẻ, hơn sáu mươi người ngồi yên lặng trong Thiền đường – Phương Thảo Am, cùng nhau tưởng niệm Ân sư - Trưởng lão Giác Dũng nhân ngày Tiểu tường của Ngài.

Sau những phút ngồi yên trong tĩnh lặng, mọi người đã cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của chính mình với Ngài. Lúc đầu mọi người còn e ngại, không biết nên bắt đầu từ đâu. Một Phật tử đã kể chuyện được nghe về Ngài: “Nhân ngày lễ lớn. Tịnh xá Ngọc Quang mời Thiện nam tín nữ dùng cơm trưa. Ở một bàn ăn, mọi người ăn xong chuẩn bị dọn bàn cho người khác đến dùng thì Trưởng lão đi qua. Thấy trong chén của một cô gái vẫn còn nửa chén, Trưởng lão dừng lại nói: “Con ăn cho hết đi con!”. Cô gái lắc đầu: Dạ, con no rồi ạ. Thầy ân cần và rất nhẹ nhàng nói: “Cố ăn chút nữa là được mà con”. Cô gái vẫn lắc đầu: “Dạ, con chịu thôi ạ”. Thầy nói: “Để thầy giúp con vậy!” Trưởng lão nói xong, cầm chén cơm dư, bước về phía cốc mình. Bà mẹ của cô gái hoảng hốt, vội vã chạy đến trước mặt Trưởng lão: “Bạch sư, con gái con nhỏ dại, xin thầy đại xá, cho con ăn chén cơm này ạ”. Tất cả mọi người có mặt hôm ấy đứng cả lên: “Mô Phật!” Thầy mỉm cười hiền từ. 

Câu chuyện lại được tiếp nối với một kỷ niệm nhỏ khác. Với người chưa học đạo, khi ăn cơm, lỡ gặp hạt thóc còn sót lại, liền nhặt nó bỏ ra, rồi ăn. Còn với Trưởng lão, mỗi lần gặp thóc trong cơm, Trưởng lão cũng nhặt hạt thóc ra, bóc lớp vỏ trấu và ăn phần gạo bên trong”. 

Kỷ niệm với Thầy chỉ nói giản đơn như thế thôi, nhưng mọi người đều hiểu Thầy đã nhắc nhở mọi người phải biết trân trọng và sử dụng của bố thí như thế nào cho đúng. 

Sau khi nghe câu chuyện bình dị ấy thì mọi người mới vỡ ra và thấy mình có rất nhiều nhiều điều để chia sẻ với mọi người có mặt trong buổi chiều đẹp hôm ấy. Họ say sưa nói về việc mình đã gặp gỡ, trò chuyện hoặc được khuyến hóa như thế nào.

Chú Lê Văn Bình kể về việc Ngài giúp cán bộ, đảng viên học, hiểu và tham gia hoằng pháp như thế nào. Cô Huệ Mẫn, từ Thành phố Nha Trang, Khánh Hòa về dự buổi gặp gỡ, chia sẻ những kỷ niệm khó quên trong cuộc đời hành đạo của Trưởng lão như cô biết, nhất là những tháng ngày Phật tử và đồng bào còn nhiều khó khăn. Cô nhắc lại di chúc của Thầy làm cho mọi người xúc động lặng đi.

Cô Nguyên Hoa dẫn chương trình, ảnh: Duy Thịnh

Từ trái sang: Chú Lê Văn Bình, bác Nguyễn Hữu Tân, thầy Lê Ngọc Tấn, thầy Nguyễn Hữu Đức; ảnh: Quảng Mẫn
Bác Nguyễn Hữu Tân kể về thời trai trẻ gặp Thầy và câu nói bình thường mà sâu sắc của Thầy: “Làm bất cứ việc gì cũng phải tỉ mỉ như người thợ sửa đồng hồ”. Bác còn xin Thầy tha tội vì đã không ra kịp gặp Thầy trước khi Thầy viên tịch. Thầy Hà Ngọc Đào – nguyên giám đốc sở Giáo dục Daklak – cũng trân trọng nếp sống giản dị, chăm lo việc tốt đời đẹp đạo và tham gia nhiều công tác trong tỉnh của Thầy. Mọi người còn thấy được Thầy đã quan tâm đến cộng đồng các dân tộc trong tỉnh, giúp họ xóa bỏ hủ tục, biết học pháp Phật qua lời kể của anh Thiện Bản - trước đây công tác ở hạt Kiểm lâm huyện Eakar. Không những Thầy đã khuyến tấn những người con Phật mà đối với anh Bùi Đức Hào, một trí thức Ki-tô giáo, cũng kể chuyện về lòng từ bi độ lượng của Thầy đối với các tôn giáo khác. Còn anh Tống Ngọc Dũng ca ngợi Cố Hòa thượng có tầm nhìn xa trong mọi công việc. Thầy đã tiên liệu, xử lý những tình huống thách thức một cách nhẹ nhàng hiệu quả. Ngài luôn nghĩ đến mọi người trước khi nghĩ đến mình. Chính vì thế mà ngày tiễn Thầy về cõi vĩnh hằng người dân trong tỉnh cùng một lòng cung kính hướng về Thầy đông chưa từng thấy…


Ảnh: Duy Thịnh
 Trời tối dần, cơn mưa đã tạnh từ lúc nào không biết, vẫn còn nhiều người muốn nói nhưng buổi Tọa đàm “Trưởng Lão Giác Dũng: Những điều chưa biết về một bậc thầy khả kính” phải ngừng lại thôi. Thật xúc động khi nói lời cảm ơn các vị khách mời đến dự bằng những giọt nước mắt của Sư Giác Kiến - người đệ tử thân cận của Trưởng Lão Giác Dũng, người chăm sóc Phương Thảo Am. Mọi người ra về, lòng bồi hồi khôn tả với lời chúc lành của ban tổ chức, mong mọi người luôn sống an vui trong cuộc sống, sống an vui trong ân đức của Trưởng lão.
Nguyên Hoa
Buôn Ma Thuột, đầu Hạ, Giáp Ngọ, 2014.