15.2.17

Mùa xuân này, tôi đã thở…phào

PTA: Cùng dõi theo bóng các bậc thầy đi trước, Tịnh Viên cư sĩ thỉnh thoảng ghé qua PTA đàm đạo, chia sẻ cùng thân hữu nơi đây những kinh nghiệm mà cư sĩ đã góp nhặt được khi có duyên thân cận quý ngài. Tịnh Viên cư sĩ hay kể những câu chuyện rất đời thường, đôi khi là tầm thường như không có gì để kể để nói. Nhưng qua cái nhìn của cư sĩ, những chi tiết rất đời thường lại trở nên sâu sắc. Đôi khi cư sĩ lại không nói, chỉ gợi gợi rồi cười và... thở thôi. Rất khó hiểu. Cái thở...phào ở đây là một ví dụ.
Chúng tôi cảm ơn lòng ưu ái của cư sĩ dành cho PTA mà chia sẻ bài viết ngắn này.
Mong gặp lại cư sĩ.
Chúc mọi người an vui.
~~~~~~~
Cách đây ba năm, tôi đã viết bài về “Nếp sống của một vị Sư” giới thiệu trên Vô Ưu.
Khi Vô Ưu đến tay bạn đọc, từ trong Tết ra ngoài Tết, tôi được nhiều độc giả ngợi khen “Khéo diệu dụng”. Nhưng cũng có vị cẩn thận nhắc chừng: “Sẽ bị hố đấy!”
Là người có chút ít kinh nghiệm về báo chí, tôi rất cẩn trọng khi viết bài về một “Nhân vật đương thời”.
Tôi còn nhớ, khi Tâm Lộc ghé thăm Sư ở Tịnh xá, nhìn nếp sống thanh bần của Sư, Tâm Lộc đã gợi ý cho tôi nên có bài tán thán về đạo hạnh của Ngài.

Tâm đắc, tôi bắt đầu chú ý. Việc đầu tiên là thăm hỏi những người thân cận Sư. Tế nhị, khéo léo, để không ai biết mình đang “điều tra” hành trạng của Sư phụ họ.
Tiếp đến, tôi phải gặp gỡ những vị vốn “ít” ưa Sư. Và, sau hai, ba lần, cùng Nguyên Kỹ xác nhận chắc chắn đời sống của Sư. Rồi tôi mới gởi bài tới Vô Ưu, sau khi nhờ Bác T.N.T chụp hình minh họa.
Thú thực, tôi vốn khó tính, nhưng khi nhìn hình tôi rất vui, vì tấm hình kia quá đạt yêu cầu. Phần bài viết của tôi, chỉ thêm gia vị cho vấn đề.
Chuyện lạc đề một chút, tôi có duyên được tháp tùng với quý Tôn đức đến các chùa ở mấy thành phố lớn. Nhìn lối sống của các Ngài ở đây, tôi bỗng giật mình. Lúc về lại mấy chùa ở tỉnh lẻ của mình, tôi có viết bài “ Đi tìm một Phú Nâu La thời đại”. Một vị Thầy đề nghị không đăng, vì dù “hay”, nhưng sợ đụng các “Tôn đức”. Có một tờ báo ở SG muốn đăng, nhưng tôi không muốn phiền.
- Chả lẽ mình bỏ bút ư? Tôi tự hỏi.
Một bạn đạo đề nghị nên viết cái hay, cái tốt, xiển dương điều thiện thì người ta sẽ dễ tiếp nhận hơn. Còn điều xấu, điều ác, tự nhiên sẽ bị phơi bày.
Vấn đề là “hóa giải tự thân”. Nhưng thời buổi này, ai là “người tốt, việc tốt” đây!
Chắt lọc, đắn đo, cân nhắc…Thế là “Nếp sống của vị Sư” ra đời.
Bài in rồi, có nhiều tâm hồn đồng cảm khen, có người nhắc. Dù cuối bài tôi có rào trước đón sau, lỡ bị “phản ứng phụ”.
Rồi mấy mùa Xuân qua đi, sau những lần tiếp cận làm việc với Sư như tổ chức lễ “Tạ ơn – Mừng thọ” của nhà thơ Dzạ Lữ Kiều-Trần Xuân Thái.
Đây là một sáng tạo độc đáo của nhà thơ, khi muốn đem Phật giáo vào đời sống, mà thi nhân này làm “đầu tàu”, gây phong trào “Phật hóa gia đình”. Và, chính Sư đã hoan hỉ tán thán, chụp hình lưu niệm và gởi quà chúc mừng. Rất tiếc là hôm đó Sư bận việc của Giáo hội. Thế nên, với Sư, Ngài vẫn “vàng son” trong ý nghĩ của tôi.
Rồi, buổi sáng, khoảng 10 giờ, tôi đến quán vi tính nọ nhờ gởi bài về một tờ báo ở SG. Người chủ quán cho biết tin Sư. Một chút thảng thốt. Điện thoại hỏi Bác Tạ, xác nhận đúng, tôi vội vàng lên Tịnh xá N.Q.
Qua hành trạng của Ngài, với những lời di chúc, không những tôi mà nhiều bậc đạo hữu khác đều thì thầm tâm sự… “SƯ LÀ BẬC CÓ TU, NÊN CÓ CHỨNG”.
Và, tiếp theo sự viên tịch của Sư, hình như là có 3 hay 4 Hòa Thượng cũng về cõi Phật nữa.
Có một Đại đức, sau khi thăm viếng nhiều tang lễ, thầy nói rằng: Tang lễ của Sư G.D là “trầm lắng” nhất.
Bây giờ, ngồi viết bài này, tôi tự nhủ:
“Mùa xuân này, mình đã thở phào…!”.

Tịnh Viên cư sĩ


No comments:

Post a Comment