20.12.17

Duyên cộng hưởng: vừa cho vừa nhận

Lần đầu đặt chân đến Tịnh xá Ngọc Phương, thầy cảm nhận nơi đây có một đạo tràng nề nếp và tu tập trang nghiêm. Điều đó đã khiến thầy rất hạnh phúc. Thầy cũng cảm nhận có sự cộng hưởng tổng thể được đóng góp bởi mỗi thiền sinh. Mỗi phật tử tu tập đã tạo nên sự cộng hưởng chung thành một tập thể trang nghiêm, thanh tịnh.

Thương yêu và Thái độ sống là một chủ đề ý nghĩa vì thương yêu mang tính chất giao hòa giữa cuộc sống, nhưng thương yêu phải tỉnh thức. Tỉnh thức có ý nghĩa chuyên sâu hơn nhưng lại không xa rời thực tại cuộc sống. Thầy nhận ra mình được tiếp xúc với sự thương yêu và cộng hưởng lớn ở nơi  tu tập này. Ai ở trong một trường cộng hưởng như vậy đều được nhận hạnh phúc, bởi cộng hưởng chính là vừa cho, vừa nhận. Ví như khi chúng ta cho đi một năng lượng tỉnh thức thì năng lượng ấy được phóng ra đến toàn thể mọi người; cũng như khi ta nhận lại năng lượng thì cũng nhận được nguồn năng lượng ấm áp từ mọi người. Từ ngữ cộng hưởng thực sự có ý nghĩa rất hay, sâu sắc và bao trùm. Sự cộng hưởng ấy không chỉ giữa con người với con người mà còn cộng hưởng đến sinh vật muôn loài, con sâu, cái kiến, và cả những thế giới có xúc cảm. Thế nên mới có câu: “Vô tình bụi, đất, đá, cây bao đồng”. Bụi đất làm tốt phần của bụi đất, bụi đất không cần nghĩ phải làm cho cây trái xanh tốt nhưng chỉ cần bụi đất làm tốt phần của mình là cây trái cũng vô tình được hưởng những điều tốt đẹp của bụi đất mà tự nhiên xanh tươi.

Vậy nên chúng ta hãy sống với thế giới cộng hưởng trong sự tỉnh thức và yêu thương.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta sinh hoạt, giao tiếp, và dùng mọi phương tiện để thu hút sự chú ý của người khác. Ví như khi chúng ta đi dự một sự kiện nào đó (ở giảng đường, phòng trà, chương trình ca nhạc…), thì chúng ta sẽ được kích thích qua các kênh giác quan.  Tác nhân kích thích có thể bằng ánh sáng của đèn màu chớp nháy, có thể bằng âm thanh đủ cung bậc, có thể bằng hình ảnh nhiều thể loại và màu sắc, có thể bằng lời nói nhiều ngữ điệu,…. Có nghĩa là chúng ta luôn tìm đủ mọi phương tiện để kích thích nhau. Đó là những cảnh giới bên ngoài luôn ồn ã náo động và thay đổi từng phút, từng giây.

Thiền thì khác. Hành giả tu thiền phải biết đối diện với chính mình, tức là đối diện với hơi thở và trạng thái của chính mình, sử dụng năng lượng yêu thương để chăm sóc cảnh giới bên trong. Hay nói cách khác, người tu thiền lấy thế giới nội tâm làm đối tượng tu tập, biết quay về chăm sóc nội tâm để tạo ra năng lượng tỉnh thức, năng lượng thương yêu. Vậy nên một trong những điểm nhấn trong chủ đề Thương yêu và Thái độ sống kỳ này mà chúng ta cần đề cập đến chính là tỉnh thức, vì thương yêu có tỉnh thức là thương yêu có thực chất nơi tâm mình. Đó là hạt giống của tình thương có trí tuệ, có chất lượng cao đem an lạc, hạnh phúc cho mình và người.
Thượng tọa Minh Thành 
(giảng tại Tịnh xá Ngọc Phương, ngày 22/10/2017)
Ngọc Tiên, Quảng Tú & Chúc Quả ghi lại
PTA xin chia sẻ

No comments:

Post a Comment