29.6.17

Lặng lẽ

PTA: Lặng lẽ là bài thơ được xin từ trang cá nhân của nhà thơ Hồ Ngạc Ngữ. Những người làm trang này đọc tới đọc lui thấy bài thơ hay quá. Lặng lẽ là thơ thiền cũng phải, và là thơ tình cũng đúng. Mà nói Lặng lẽ chẳng phải tình chẳng phải thiền gì cả, cũng đúng. Lặng lẽ là lặng lẽ, chỉ tạm gọi để chia sẻ. Cảm ơn nhà thơ Hồ Ngạc Ngữ. Chúc anh luôn khỏe và tiếp tục lặng lẽ sáng tác.
LẶNG LẼ

Lặng lẽ đi qua nơi nào có Phật
Trong tâm tôi Phật choán khoảng trời
Lặng lẽ đi qua nơi nào không Phật
Ồn ã buồn vui những chuyện cuộc đời

23.6.17

Trăng

PTA: Đêm cuối tháng Năm không trăng, mời mọi người thưởng bài thơ Trăng của nhà thơ Hồ Ngạc Ngữ.

Chạy mãi theo trăng quên ngọc quý
Câu thơ hay nhất tự tâm mình
Một mai trăng khuyết chìm sau núi
Ngôn ngữ không đùa được tử sinh
HỒ NGẠC NGỮ

13.6.17

Đường da rùa

PTA: Đường da rùa dẫn lối trên cỏ thơm. Ai rời Phương Thảo Am cũng nhớ con đường này. Dù qua lại ít nhiều, dường như ai cũng đã một lần sụp chân trên da rùa vì thất niệm. Chính tôi, sgk, tác giả của những tấm da rùa này đã từng sụp chân như thế. Tác giả của tấm hình dưới đây, cô Ch. Q., cũng đã từng bị bong sưng chân ở Phương Thảo Am. Còn tác giả bài thơ này là chú H.T.P., chuyên gia đi thiền tại PTA. An vui cùng cỏ hoa. Say hương cùng phương thảo là trải nghiệm thực của chú. Vui say như H.T.P. rất thường nhưng chẳng thường. Chẳng thường mà thường. Đó là cái vị ở PTA. Xin chia sẻ cùng bạn.

11.6.17

Tiểu Kinh Malunkya (Kinh Trung Bộ Số 63)

PTA: Đây là một bài kinh mà người học pháp tu thiền nên đọc học. Nội dung bài kinh có thể giúp chúng ta biết được Đức Phật đã dạy những gì và không dạy gì? Và tại sao như thế? Biết được như thế thì chúng ta cũng có thể biết được mình nên học những gì và không nên học gì khi mình có duyên được học pháp tu thiền. Điều này trở nên cần thiết, nhất là khi quỹ thời gian của mình không có nhiều. Mỗi ngày qua là một lần cuộc sống của chúng ta ngắn lại.
Pháp Phật quý vô cùng. Thực hành thiền là con đường giải mê thoát khổ.

Đứng trước biển pháp rừng thiền, chúng ta biết chọn học điều gì trước, thực hành như thế nào trước cho phù hợp, cho yên ổn? Điều gì là căn bản, điều gì cần ưu tiên?
Về mặt lý thuyết, bài kinh này có thể soi sáng.
Về mặt thực hành, nếu chúng ta đang có dành thời gian để trầm tư về cuộc sống nặng tính tư tưởng, triết lý, thì thử hỏi mình xem những điều chúng ta trầm tư có thực sự thiết yếu cho sự thực hành của mình hay không. Tức là có thực sự tập trung vào việc đoạn trừ khổ đâu hay không. 
~~~~~~~~~~~~
TIỂU KINH MALUNKYA
(Malunkyasuttam) 
(Kinh Trung Bộ Số 63)
Như vầy tôi nghe.
Một thời, Thế Tôn trú ở Savatthi, Jetavana, tại tịnh xá ông Anathapindika. Rồi Tôn giả Malunkyaputta, trong khi độc trú tịnh cư, khởi lên sự suy tư như sau: “Có một số vấn đề này, Thế Tôn không trả lời, bỏ một bên, loại bỏ ra: “Thế giới là thường còn, thế giới là vô thường, thế giới là hữu biên, thế giới là vô biên; sinh mạng này và thân này là một, sinh mạng này và thân này là khác; Như Lai có tồn tại sau khi chết, Như Lai không có tồn tại sau khi chết, Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết. Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”. Thế Tôn không trả lời cho ta những vấn đề ấy. Vì Thế Tôn không trả lời cho ta những vấn đề ấy, nên ta không được hài lòng, không được thỏa mãn. Vậy ta hãy đi đến Thế Tôn, và sẽ hỏi ý nghĩa này. Nếu Thế Tôn trả lời cho ta: “Thế giới là thường còn, thế giới là vô thường, thế giới là hữu biên, thế giới là vô biên; sinh mạng này và thân này là một, sinh mạng này và thân này là khác; Như Lai có tồn tại sau khi chết, Như Lai không có tồn tại sau khi chết; Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết, hay Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”, thời ta sẽ sống Phạm hạnh dưới (sự chỉ dẫn của) Thế Tôn. Còn nếu Thế Tôn không trả lời cho ta: “Thế giới là thường còn, thế giới là vô thường... (như trên)... Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”, thời ta sẽ bỏ học pháp và hoàn tục”.