26.5.17

Đi hay ở?

Không cơm không pháp đi liền
Có cơm không pháp tìm miền khác đi,
Không cơm có pháp ở lì
Có cơm có pháp khó gì cũng cam.
(Kinh Tương ưng)

22.5.17

Tiểu Kinh Saccaka (Kinh Trung Bộ số 35)

Hôm thứ Bảy vừa rồi, ngày 20/5/2017, một nhóm thiền sinh tại Phương Thảo Am đã học bài kinh Tiểu Kinh Saccaka (Kinh Trung Bộ số 35). Sau khi học qua một lượt, tôi hỏi có ai còn thắc mắc gì về nội dung bài kinh này không. Một thiền sinh hỏi: 
Bài kinh này có gì hay không sư? (Một cách hỏi rất dễ thương và rất PTA :))
Sau đó, tôi phải mất một buổi để học lại bài kinh này và mới thấy được rằng trong bài kinh Tiểu Kinh Saccaka không có cái gì hay bằng câu hỏi mà thiền sinh đã đặt ra! :) 

Nhờ câu hỏi đó, mà tôi thấy cần chia sẻ bài kinh đó ở đây (bản dịch của HT. Minh Châu) với một vài cái gạch đầu dòng cần thiết:
- Tiểu Kinh Saccaka (MN 35) có liên quan gì đến việc tu thiền?
- Bài kinh nói gì về bản chất con người?
- Trong đoạn hỏi nói về Kiến vô thượng, Đạo vô thượng, Giải thoát vô thượng... chúng ta hiểu gì về Kiến, Đạo, Giải thoát, giác ngộ, điều phục, tịch tĩnh, vượt qua, và Niết-bàn?
- Đoạn ngắn này (nói về Kiến vô thượng, Đạo vô thượng, Giải thoát vô thượng... ) liên quan gì (có quan hệ như thế nào) với nội dung bàn về con người giữa Niganthaputta Saccaka và đức Thế Tôn?
Với người đã quy y Tam Bảo, có thêm 3 gạch đầu dòng này: 
- Bạn nghĩ gì về câu hỏi của Niganthaputta Saccaka "có những bộ môn nào mà phần lớn Sa-môn Gotama giảng dạy được dành cho đệ tử?" ?
- Bạn có thể rút được bài học ứng dụng gì qua hai câu kết của bài kinh (rất khác với phần lớn các bài kinh trong kinh Nikaya)?
– Này Tôn giả Gotama, trong cuộc bố thí này, nếu có công đức và công đức địa, mong rằng những vị bố thí sẽ được hưởng hạnh phúc.
– Này Aggivessana, sẽ có (công đức) cho những người bố thí, đối với người đáng được cúng dường như Ông, dầu Ông không phải là không có tham, không phải là không có sân, không phải là không có si; sẽ có (công đức) cho Ông, này Aggivessana, đối với người đáng được cúng dường như Ta, và Ta là người không có tham, không có sân, không có si. 
- Và xin có thêm một câu hỏi mở rộng dành cho những người Phật tử còn nhiều trăn trở hay thắc mắc về vấn đề "chết đi về đâu": Là người Phật tử, ta nên học gì và học như thế nào?

Đọc kinh Nikaya, có khi chúng ta cảm thấy mệt nhọc khi phải đọc đi đọc lại những đoạn có vẻ rất khô khan mà lại lặp lại quá nhiều lần. Mong là những gạch đầu dòng trên đây có thể giúp bạn lướt qua những đoạn lặp lại nhiều lần mà không sợ mất ý. Và bạn có thể thêm vào những gạch đầu dòng tương tự trong phần comment bên dưới. 
Chúc mọi người một tuần an vui.


35. TIỂU KINH SACCAKA
(Culasaccakasuttam)
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở tại Vesali, rừng Đại Lâm, tại giảng đường Trùng Các. Lúc bấy giờ Niganthaputta Saccaka ở tại Vesali tánh ưa luận chiến, biện luận thiện xảo, được số đông tôn kính. Vị này thường xuyên bố cho hội chúng ở Vesali: “Ta không thấy một Sa-môn hay một Bà-la-môn nào, là vị Hội chủ, là vị Giáo trưởng, vị Sư trưởng Giáo hội, dầu tự cho là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, khi đối thoại với ta, không ai là không run sợ, không hoảng sợ, không khiếp sợ, không ai là không toát mồ hôi nách. Dầu ta có đối thoại với một cột trụ vô tình, cột trụ ấy khi đối thoại với ta cũng run sợ, cũng hoảng sợ, cũng khiếp sợ, huống nữa là một người thường”.
Rồi Tôn giả Assaji vào buổi sáng đắp y, cầm bát vào Vesali để khất thực. Niganthaputta Saccaka, thường hay ngao du thiên hạ, thấy Tôn giả Assaji từ xa đi lại. Sau khi thấy, Niganthaputta Saccaka liền đến gần Tôn giả Assaji, nói lên những lời hỏi thăm, chào đón, xã giao rồi đứng một bên. Sau khi đứng một bên, Niganthaputta Saccaka nói với Tôn giả Assaji:
– Này Tôn giả Assaji, Sa-môn Gotama huấn luyện đệ tử như thế nào? Và có những bộ môn nào mà phần lớn Sa-môn Gotama giảng dạy được dành cho đệ tử?

10.5.17

Tinh thần ngày PHẬT Đản

Hôm nay, ngày Rằm Tháng Tư, thiền sinh ở Phương Thảo Am kính mừng Phật ra đời.
Kính mừng trong tinh thần Phật Đản mà thiền sinh ở đây tập trung thực hiện trong hơn 6 tháng qua. Đó là tinh thần tìm về / tìm lại / khơi dậy / kiến lập ĐỨC PHẬT TRONG TÔI trong mỗi người học pháp tu thiền.